In phần này
2
Đánh dấu sân cho cuộc chơi hàng ngày
2
Đánh dấu sân cho cuộc chơi hàng ngày
Đánh dấu sân và sơn nhắc các đánh dấu đó là công việc thường xuyên của Hội đồng. Sân golf được đánh dấu tốt sẽ cho phép người chơi chơi đúng luật và tránh hiểu lầm không đáng có. Ví dụ: người chơi có thể không biết phải làm gì nếu một hồ nước (khu vực phạt) không được đánh dấu.
A

Ngoài biên

Việc đánh dấu ngoại biên (OB) một cách chính xác là rất quan trọng đối với Hội đồng. Một người chơi đánh bóng đến gần ranh giới sân có thể tự xác định là bóng của họ ở trong sân hoặc ở ngoài biên.
(1)
Hướng dẫn chung về việc xác định và đánh dấu ranh giới sân
Hội đồng có thể đánh dấu ranh giới sân theo nhiều cách. Ví dụ: sử dụng cọc hoặc vạch kẻ sơn, hoặc sử dụng tường rào hoặc hàng rào có sẵn, hoặc ranh giới của một cấu trúc vĩnh cữu khác như là đường sá hoặc nhà cửa để làm ranh giới sân. Khi xác định ranh giới sân và đánh dấu chúng, có một vài điểm mà Hội đồng cần lưu ý: a. Nhà cửa xung quanh sân golf
  • Khi có nhà cửa tư nhân hoặc đường công cộng bao quanh sân golf, Hội đồng nên đánh dấu các khu vực đó là ngoại biên. Thường thì các kiến trúc này sẽ có tường hoặc rào mà có thể được sử dụng làm ranh giới sân. Khi chúng tồn tại, thường thì không cần phải cắm cọc để dời ranh giới vào bên trong. Tuy nhiên, để tăng lớp đệm bảo vệ các kiến trúc ở cạnh sân này, Hội đồng có thể dời ranh giới sân vào bên trong (như bằng việc sử dụng cọc).
  • Sân golf không nhất thiết phải có ranh giới, nhưng cần ngăn chặn việc đánh bóng từ những nơi không thuộc sân. Tuy nhiên, nếu có các khu vực đệm rộng lớn ở cạnh các kiến trúc không thuộc sân nói trên, không cần phải cắm cọc hoặc vật thể khác ở đó để xác định ranh giới sân.
  • Khi một cấu trúc như tường rào hoặc hàng rào được quy định là ranh giới sân, toàn bộ vật thể đó là một vật thể xác định ranh giới sân mà không được giải thoát không phạt từ đó.
b. Sử dụng cọc
  • Cọc ranh giới sân nên có màu trắng, nhưng cũng có thể có màu khác.
  • Khi có sẵn các cọc ranh giới sân có màu khác, hoặc Hội đồng có lý do để sử dụng một màu sắc khác để phân biệt chúng với các vật thể khác trên sân, Hội đồng nên thông báo cho người chơi trên bảng điểm, trên bảng thông báo trong nhà câu lạc bộ hoặc trên Luật địa phương hoặc phương tiện khác. Hội đồng nên tránh sử dụng cọc màu đỏ hoặc vàng để đánh dấu ranh giới sân nhằm tránh gây hiểu lầm với khu vực phạt.
  • Khoảng cách giữa các cọc có thể thay đổi, nhưng lý tưởng nhất là nên có thể nhìn thấy chân cọc này từ chân cọc tiếp theo để có thể xác định là bóng ở ngoài biên hoặc trong sân. Nên kiểm tra và đảm bảo là các bụi cây, cây to hoặc vật thể tương tự không cản trở các cọc hoặc làm ngăn tầm nhìn từ cọc này đến cọc tiếp theo. Thông thường thì không nên cắm cọc xa hơn 30 yard để người chơi có thể dễ dàng nhìn thấy chúng.
c. Sử dụng vạch kẻ sơn
  • Vạch kẻ sơn là ranh giới sân nên có màu trắng, nhưng cũng có thể có màu khác. Hội đồng nên tránh sử dụng vạch màu đỏ hoặc vàng để đánh dấu ranh giới sân nhằm tránh gây hiểu lầm với khu vực phạt.
  • Khi ranh giới được đánh dấu bằng vạch kẻ sơn trên mặt đất, Hội đồng có thể cắm cọc để báo hiệu ranh giới đó (để có thể nhìn thấy từ xa). Nên làm rõ là vạch kẻ xác định ranh giới sân trong khi cọc chỉ để báo hiệu ranh giới đó. Các cọc này không đánh dấu ranh giới sân, nhưng chúng là vật thể xác định ranh giới sân mà không được giải thoát không phạt từ chúng trừ khi có quy định khác ở Luật địa phương (xem Luật địa phương mẫu A-6).
  • Đôi khi Hội đồng không muốn sơn vạch trắng trên đường đi hoặc lối đi. Trong trường hợp này, cách đơn giản nhất để đánh dấu ranh giới sân có thể là một hàng các chấm sơn trên mặt đất. Khi làm điều này, nên sử dụng Luật địa phương để nêu rõ cách đánh dấu của ranh giới này (xem Luật địa phương mẫu A-1).
d. Cách đánh dấu ngoại biên khác
  • Khi ranh giới được xác định bởi một bức tường, mép đường hoặc một vật khác (trừ cọc, hàng rào hoặc vạch kẻ), Hội đồng cần làm rõ mép của ranh giới đó. Ví dụ: khi sử dụng tường là ranh giới sân, Hội đồng cần làm rõ nếu mép phía trong sân của bức tường đó là ranh giới sân hoặc nếu bóng chỉ ở ngoài biên nếu toàn bộ bóng ở bên ngoài bức tường đó (xem Luật địa phương mẫu A-2).
  • Ranh giới cũng có thể được xác định bởi một con mương đào, với bóng ở ngoài biên khi nó ở bên kia con mương đó. Cọc có thể được sử dụng để báo hiệu ranh giới (con mương) đó. Các cọc này là vật thể xác định ranh giới sân mà không được giải thoát không phạt từ chúng trừ khi có quy định khác trong Luật địa phương (xem Luật địa phương mẫu A-6).
e. Các lưu ý khác
  • Một số đặc trưng như khu vực bảo dưỡng, nhà câu lạc bộ và sân tập có thể được đánh dấu và quy định là ngoại biên trong Luật địa phương cho dù chúng ở bên trong sân (xem Luật địa phương mẫu A-1).
  • Luật không cho phép một khu vực có nhiều tình trạng khác nhau khi đang chơi một hố, do đó không được đánh dấu một khu vực là ngoại biên cho một số cú đánh nào đó, hoặc cú đánh từ một số nơi nào đó, như là khu vực phát bóng.
  • Hội đồng không được phép áp dụng Luật địa phương quy định bóng đánh ngang qua một khu vực nào đó là OB cho dù nó không đến nằm yên trong khu vực đó.
(2)
Đánh dấu ngoại biên nội khu
Để tuân thủ ý đồ thiết kế của một hố hoặc để bảo vệ người chơi ở hố bên cạnh, Hội đồng có thể thiết lập ranh giới sân giữa hai hố. Nếu ranh giới của OB nội khu không nối với các ranh giới khác trên sân, phải đánh dấu nơi ranh giới đó bắt đầu và kết thúc. Nên sử dụng hai cọc ở sát cạnh nhau, với đường thẳng nối hai cọc đó chỉ hướng mà ranh giới sẽ kéo dài đến vô tận. Có thể sử dụng OB nội khu cho một hố hoặc nhiều hố. Cần quy định rõ trong Luật địa phương hố hoặc các hố có OB nội khu, và tình trạng của các cây cọc khi chơi các hố mà ranh giới đó không được áp dụng (xem Luật địa phương mẫu A-4).
B

Khu vực phát bóng

Hội đồng nên cố gắng đặt các tee-marker ở càng gần phía trước các bệ phát bóng càng tốt nhằm có đủ không gian hai chiều-dài-gậy-đo về phía sau các tee-marker đó cho người chơi sử dụng. Không có hạn chế nào về bề rộng của khu vực gạt bóng, nhưng thường thì nên đặt hai tee-marker cách nhau khoảng 5 – 7 yard. Đặt chúng xa hơn sẽ khiến cho người chơi khó khăn hơn trong việc xác định bóng đã được đánh từ bên trong khu vực phát bóng hay không, đồng thời có thể khiến cho các vết đánh bóng (divot) phân bố trong khu vực rộng hơn ở các hố par-3. Các tee-marker nên được đặt để ranh giới phía trước của khu vực phát bóng sẽ chỉ về ngay chính giữa vùng bóng đáp sau khi phát. Đối với các hướng dẫn về nơi đặt tee-marker nhằm đảm bảo kết quả vòng đấu có thể được sử dụng cho việc tính handicap, tham khảo luật hoặc các gợi ý trong Luật về handicap và các tài liệu của Hệ thống handicap thế giới (World handicap system) hoặc các hướng dẫn khác của cơ quan quản lý handicap địa phương.
C

Khu vực phạt

Khu vực phạt là các khu vực trên sân mà từ đó người chơi được phép giải thoát với một gậy phạt ra ngoài khu vực phạt đó, ở nơi có thể xa nơi bóng gốc của họ đã đến nằm yên. Như quy định trong định nghĩa “khu vực phạt”, các khu vực chứa nước như hồ, suối, sông hoặc ao là các khu vực phạt và nên được đánh dấu như thế. Hội đồng có thể đánh dấu các phần sân khác (không chứa nước) là khu vực phạt với các lý do sau:
  • Cho người chơi thêm lựa chọn giải thoát thay vì gậy-và-khoảng-cách theo Luật 18.1 khi xác suất mà bóng bị mất trong khu vực đó là rất cao, ví dụ như một vùng thảm thực vật dày.
  • Cho người chơi thêm lựa chọn giải thoát thay vì gậy-và-khoảng-cách theo Luật 19.2 (Bóng không đánh được) khi lựa chọn giải thoát theo Luật 19.2b19.2c sẽ hầu như không tồn tại, ví dụ như một vùng đá núi lửa hoặc sa mạc.
(1)
Xác định khi nào cần đánh dấu khu vực không chứa nước là khu vực phạt
Hội đồng nên xem xét các điểm sau trước khi quyết định đánh dấu một khu vực không chứa nước là khu vực phạt:
  • Việc đánh dấu một khu vực khó chơi là khu vực phạt có thể làm tăng tốc độ thi đấu, nhưng đó không phải là lý do duy nhất để Hội đồng làm thế. Có nhiều vấn đề quan trọng khác, như là giữ tính thử thách của hố, tính toàn vẹn của ý đồ thiết kế sân ban đầu và tính nhất quán của kết quả khi đánh bóng vào các khu vực giống nhau trên sân. Ví dụ: nếu một khu rừng ở cạnh fairway ở một hố được đánh dấu là khu vực phạt, Hội đồng nên xem xét đánh dấu các khu vực tương tự ở các hố khác cũng là khu vực phạt.
  • Hội đồng nên hiểu là một người chơi mất bóng bên ngoài một khu vực phạt sẽ nhận phạt nặng hơn so với một người khác bị mất bóng bên trong một khu vực phạt. Nếu có các khu cỏ cao ở gần ranh giới khu vực phạt, nơi bóng thường bị mất, Hội đồng có thể xem xét đưa khu cỏ cao đó vào bên trong khu vực phạt.
  • Hội đồng nên nhớ rằng người chơi có bóng ở trong khu vực phạt sẽ không thể giải thoát bóng không đánh được theo Luật 19. Yêu cầu người chơi quay lại nơi bóng cắt ranh giới khu vực phạt lần cuối cùng để thực hiện giải thoát thay vì thả bóng trong vòng hai chiều-dài-gậy-đo từ vị trí bóng gốc có thể gây bất lợi lớn cho người chơi đồng thời có ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ chơi.
  • Hội đồng không nên quy định các khu vực cát, thường sẽ là bẫy cát, là khu vực phạt. Trong một vài trường hợp, cát có thể chảy một cách tự nhiên vào một khu vực phạt, như là ở bãi biển. Trong trường hợp này, khu vực phạt và bẫy cát sẽ có ranh giới tiếp giáp nhau với một phần nhỏ cát ở trong khu vực phạt.
  • Hội đồng không nên đánh dấu các bất động sản ở ngay cạnh sân là khu vực phạt khi mà các bất động sản đó thường được đánh dấu là ngoại biên.
  • Nếu Hội đồng đang nghiên cứu đánh dấu một khu vực ngoại biên là khu vực phạt để giúp tăng tốc độ chơi, Hội đồng có thể sử dụng một cách khác là áp dụng Luật địa phương cho phép sử dụng phương án giải thoát thay thế cho gậy-và-khoảng-cách (xem Luật địa phương mẫu E-5). Mặc dù người chơi sẽ nhận hai gậy phạt khi sử dụng Luật địa phương này, họ có cơ hội đánh bóng từ fairway, khác với khi khu vực đó được đánh dấu là khu vực phạt.
  • Khi thêm vào hoặc bỏ đi các khu vực phạt, Hội đồng nên tham khảo luật hoặc các hướng dẫn của Hệ thống handicap thế giới (World handicap system) hoặc các hướng dẫn khác từ cơ quan quản lý handicap địa phương nhằm xác định nếu các thay đổi đó có ảnh hưởng đến độ khó của sân (Course Rating).
(2)
Đánh dấu hoặc quy định ranh giới khu vực phạt như thế nào
Khi thực hiện giải thoát khỏi một khu vực phạt, thường thì người chơi cần biết điểm bóng cắt ranh giới của khu vực phạt đó lần cuối cùng và màu sắc của khu vực phạt đó (đỏ hoặc vàng).
  • Hội đồng nên đánh dấu ranh giới khu vực phạt bằng vạch sơn và/hoặc cọc để tránh hiểu lầm cho người chơi.
  • Khi vạch kẻ được sử dụng để xác định ranh giới của một khu vực phạt và cọc được sử dụng để báo hiệu nó, Hội đồng có quyền cắm cọc trên vạch kẻ hoặc bên ngoài ranh giới khu vực phạt đó. Cắm cọc bên ngoài vạch kẻ sẽ đảm bảo là người chơi được giải thoát không phạt từ các hố cọc nếu cọc bị ngã hoặc được nhổ ra khỏi hố và bóng đến nằm yên trong hố đó.
  • Hội đồng có thể quy định ranh giới một khu vực phạt bằng ngôn từ rõ ràng, nhưng chỉ nên làm thế (quy định bằng ngôn từ) khi không có hoặc có rất ít có nghi ngờ về ranh giới đó. Ví dụ: khi một khu vực đá núi lửa hoặc sa mạc được quy định là khu vực phạt, và ranh giới giữa chúng và khu vực chung xung quanh là rất rõ ràng, Hội đồng có thể quy định ranh giới của khu vực phạt đó là mép của khu vực đá núi lửa hoặc sa mạc đó.
(3)
Xác định nơi đánh dấu ranh giới khu vực phạt
Đánh dấu ranh giới khu vực phạt một cách rõ ràng là rất cần thiết để giúp người chơi thực hiện giải thoát. Hội đồng nên xem xét các điểm sau khi xác định nơi đánh dấu ranh giới của một khu vực phạt:
  • Vạch kẻ và cọc đánh dấu ranh giới của một khu vực phạt nên được bố trí gần nhất có thể với ranh giới tự nhiên của khu vực phạt đó, như là nơi mặt đất nghiêng xuống để tạo thành chỗ lõm chứa nước. Điều này là để đảm bảo sau khi đã thực hiện giải thoát khỏi khu vực phạt, người chơi không có thế đứng với bóng ở cao hơn hoặc thấp hơn so với chân của họ hoặc thậm chí là đứng trong nước. Nên xem xét điều này cho cả người chơi thuận tay phải và thuận tay trái.
  • Khi khu vực phạt tiếp giáp với khu vực chung ở nơi mà bóng có thể bị mất, người chơi có thể gặp khó khăn trong việc biết hoặc gần như chắc chắn là bóng có ở trong khu vực phạt đó hay không, và do đó người chơi sẽ không thể thực hiện giải thoát có phạt theo Luật 17. Khi đó, Hội đồng có thể mở rộng ranh giới của khu vực phạt ra ngoài ranh giới tự nhiên thông thường của nó để bao gồm cả những khu vực khó tìm bóng.
  • Hội đồng nên tính đến việc người chơi không được giải thoát không phạt từ một điều kiện sân bất thường khi bóng của họ ở trong một khu vực phạt. Ví dụ: nếu có một vật cản cố định như là con đường hoặc đầu phun nước ở gần nơi mà Hội đồng đang tính đánh dấu là một khu vực phạt, Hội đồng có thể đưa vật cản đó ra ngoài khu vực phạt để người chơi có thể được giải thoát không phạt khỏi nó.
(4)
Nên đánh dấu một khu vực phạt với màu đỏ hoặc màu vàng
Đa số các khu vực phạt nên được đánh dấu màu đỏ để cho người chơi lựa chọn giải thoát ngang (xem Luật 17.1d(3)). Tuy nhiên, khi thử thách của hố là đánh bóng qua một khu vực phạt, như là một con suối cắt ngang phía trước khu vực gạt bóng và có khả năng cao là bóng sau khi vượt qua con suối đó có thể lăn ngược lại vào nó, Hội đồng có thể đánh dấu khu vực phạt đó màu vàng. Làm thế là để bóng tiếp đất ở phía bên kia (gần khu vực gạt bóng) nhưng lăn ngược vào lại khu vực phát đó sẽ không được thả ở phía bên kia theo lựa chọn giải thoát ngang. Khi một khu vực phạt được đánh dấu màu vàng, Hội đồng nên đảm bảo là người chơi sẽ luôn có thể thả bóng trên-đường-thẳng-kéo-lùi-về-sau theo Luật 17.1d(2) hoặc xem xét việc thêm vào một khu thả bóng (dropping zone) cho khu vực phạt đó để người chơi có thêm một lựa chọn khác thay vì gậy-và-khoảng-cách (xem Luật địa phương mẫu E-1). Hội đồng không cần phải đánh dấu màu vàng cho khu vực phạt nào trên sân. Để đơn giản, Hội đồng có thể đánh dấu màu đỏ cho tất cả các khu vực phạt để tránh hiểu lầm về các lựa chọn giải thoát của người chơi.
(5)
Thay đổi tình trạng của khu vực phạt đỏ và vàng
Hội đồng có thể muốn đánh dấu màu vàng cho một phần của một khu vực phạt và màu đỏ cho một phần khác của cùng khu vực phạt đó. Hội đồng nên xác định điểm giao nhau tốt nhất giữa hai khu vực phạt này để đảm bảo là khi bóng đi vào khu vực phạt màu vàng, người chơi sẽ luôn có thể thả bóng trên-đường-thẳng-kéo-lùi-về-sau theo Luật 17.1d(2). Nên nhớ là các lựa chọn giải thoát của người chơi phụ thuộc vào nơi bóng cắt ranh giới của khu vực phạt lần cuối cùng, không phải là nơi nó đến nằm yên. Ở điểm tiếp giáp giữa hai khu vực phạt này, nên đặt một cây cọc đỏ và một cây cọc vàng ở sát cạnh nhau để thể hiện rõ sự thay đổi tình trạng của khu vực phạt đó. a. Tình trạng của khu vực phạt có thể khác nhau tùy vào khu vực phát bóng Khi việc đánh bóng qua một khu vực phạt, như là một hồ nước ở một hố par-3, là một thử thách ở hố đó khi đánh bóng từ khu vực phát bóng phía sau, nhưng không phải là thử thách khi đánh từ khu vực phát bóng ở phía trước (gần cờ hơn), Hội đồng có thể đánh dấu khu vực phạt đó với các cọc màu vàng hoặc đỏ và sử dụng một Luật địa phương để quy định nó là khu vực phạt màu đỏ khi đánh từ khu vực phát bóng phía trước. Tuy nhiên, không nên sử dụng nhiều khu vực phát bóng khác nhau cho cùng một giải đấu. b. Tình trạng của khu vực phạt có thể khác nhau đối với các hố khác nhau Khi một khu vực phạt có khả năng ảnh hưởng đến cuộc chơi của nhiều hố khác nhau, Hội đồng có thể quy định nó là khu vực phạt màu vàng khi đang chơi một hố và là khu vực phạt màu đỏ khi đang chơi một hố khác. Trong trường hợp này, khu vực phạt này nên được đánh dấu màu vàng và sử dụng một Luật địa phương để quy định nó là khu vực phạt màu đỏ khi chơi các hố tương ứng (xem Luật địa phương mẫu B-1). c. Tình trạng của ranh giới khu vực phạt phải được giữ nguyên khi chơi một hố Trong khi một khu vực phạt có thể có màu vàng khi đánh từ một khu vực phát bóng và màu đỏ từ một khu vực phát bóng khác, không được quy định một khu vực phạt mà theo đó một phần của nó sẽ là màu đỏ đối với cú đánh từ một nơi nào đó trên sân nhưng là màu vàng đối với cú đánh từ một nơi khác bởi cùng một người chơi. Ví dụ: không hợp lý và dễ gây hiểu lầm khi quy định ranh giới của khu vực phạt (là một hồ nước) ở phía khu vực gạt bóng là màu vàng đối với cú đánh từ phía fairway của khu vực gạt bóng đó nhưng lại là khu vực phạt màu đỏ đối với cú đánh từ phía khu vực gạt bóng.
(6)
Quy định một khu vực phạt là khu vực không được phép đánh
Hội đồng có thể quy định toàn bộ một khu vực phạt là khu vực không được phép đánh (xem Phần 2G).
(7)
Khu vực chứa nước ở cạnh sân
Khi một khu vực chứa nước như là suối, hồ, biển, hoặc đại dương tiếp giáp với sân golf, có thể đánh dấu các khu vực đó là một khu vực phạt thay vì ngoại biên. Cụm từ “trên sân” trong định nghĩa “khu vực phạt” không có nghĩa là trên lãnh thổ thuộc sở hữu của sân mà có nghĩa là tất cả các khu vực không được định nghĩa là ngoại biên bởi Hội đồng.
  • Khi bóng có thể ở phía bờ bên kia của một khu vực chứa nước, nhưng Hội đồng không thể đánh dấu ranh giới đối diện đó, Hội đồng có thể áp dụng một Luật địa phương quy định khi được đánh dấu một bên, khu vực phạt sẽ mở rộng ra vô tận. Theo đó, tất cả mặt đất và mặt nước bên ngoài ranh giới được đánh dấu của khu vực phạt sẽ ở trong khu vực phạt đó (xem Luật địa phương mẫu B-1).
  • Khi hình dạng và vị trí của một khu vực phạt khiến cho người chơi không thể thả bóng ở một phía của khu vực phạt đó (ví dụ: khi một khu vực phạt có ranh giới trùng với ranh giới sân), Hội đồng có thể sử dụng một Luật địa phương cho phép người chơi được thực hiện giải thoát ở bờ đối diện của nơi mà bóng cắt ranh giới khu vực phạt đó lần cuối cùng (xem Luật địa phương mẫu B-2). Khi ranh giới của một khu vực phạt trùng với ranh giới sân, có thể cần có thêm một Luật địa phương khác để quy định việc không đánh dấu ranh giới đó của khu vực phạt (xem Luật địa phương mẫu B-1).
D

Bẫy cát

Thường thì không cần phải đánh dấu ranh giới của bẫy cát, nhưng đôi khi rất khó để xác định ranh giới này. Hội đồng nên đánh dấu với cọc hoặc vạch kẻ hoặc quy định ranh giới qua ngôn từ của Luật địa phương (xem Luật địa phương mẫu C-1). Vị trí của cây cào cát Không có câu trả lời hoàn hảo cho vị trí của cây cào cát, việc bố trí cào cát bên trong hoặc ngoài bẫy cát tùy thuộc vào mỗi Hội đồng. Nếu cào được đặt bên ngoài bẫy cát, sẽ có khả năng cao là bóng chạm vào cào cát và do đó nằm bên ngoài bẫy cát sẽ tăng lên. Nhưng tương tự thì cũng có thể cho rằng nếu cào được đặt bên trong bẫy cát, sẽ có khả năng là bóng sẽ chạm vào cào và văng ra khỏi bẫy cát đó. Tuy nhiên, trong thực tế, người chơi để lại cào trong bẫy cát thường để chúng ở một bên của bẫy cát đó, do đó thường có xu hướng làm dừng bóng lại (khi chạm vào cào) ở sườn dốc của bẫy cát đó, thay vì bóng lăn xuống chỗ bằng phẳng hơn, dẫn đến cú đánh tiếp theo khó hơn nhiều so với bình thường. Khi bóng đến nằm ở trên hoặc tựa vào cái cào bên trong bẫy cát và người chơi phải giải thoát theo Luật 15.2, việc đặt lại bóng ở trên sườn dốc hoặc ở một điểm bên trong bẫy cát đó mà không gần cờ hơn là gần như không thể. Nếu cào được để lại ở giữa bẫy cát, cách duy nhất để đặt chúng ở đó là ném chúng vào trong bẫy cát, theo đó có thể gây ra các vết lồi lõm bên trong bẫy cát đó. Ngoài ra, nếu cào cát nằm ở giữa một bẫy cát lớn, thường thì nó sẽ ít được sử dụng hoặc người chơi sẽ phải cào một diện tích lớn bên trong bẫy cát đó (các dấu chân khi đi vào lấy cào), có thể gây trì hoãn cuộc chơi. Do đó, mặc dù vị trí đặt cào vẫn là quyết định của Hội đồng, nên để lại cào ở bên ngoài bẫy cát, ở nơi mà chúng sẽ gây ảnh hưởng ít nhất đến chuyển động của bóng. Tuy nhiên, Hội đồng có thể bố trí cào ở bên trong bẫy cát để hỗ trợ nhân viên bảo dưỡng trong việc cắt cỏ fairway và cỏ xung quanh bẫy cát.
E

Khu vực gạt bóng

Thường thì không cần phải đánh dấu ranh giới khu vực gạt bóng, nhưng đôi khi rất khó để xác định ranh giới này nếu cỏ ở các khu vực xung quanh cũng được cắt ngắn, tương tự như trên khu vực gạt bóng. Trong trường hợp đó, Hội đồng có thể sử dụng vạch kẻ hoặc chấm sơn để quy định ranh giới của khu vực gạt bóng. Có thể làm rõ tình trạng của các vạch và chấm sơn này qua một Luật địa phương (xem Luật địa phương mẫu D-1).
F

Điều kiện sân bất thường

Thường thì Hội đồng không cần phải đánh dấu các vật cản cố định, nhưng nên đánh dấu các khu vực mặt sân đang sửa chữa một cách rõ ràng.
(1)
Quyết định khu vực nào sẽ được đánh dấu là mặt sân đang sửa chữa
Nhìn chung, khi điều kiện mặt đất trở nên bất thường so với điều kiện thông thường của sân golf hoặc khi việc yêu cầu người chơi đánh bóng từ một khu vực nào đó là không hợp lý, khu vực đó nên được đánh dấu là mặt sân đang sửa chữa. Trước khi đánh dấu một khu vực là mặt sân đang sửa chữa, Hội đồng nên khảo sát toàn bộ sân để đánh giá những khu vực nào là bất thường của sân. Nên xem xét những vị trí có thể cần được đánh dấu:
  • Các khu vực ở trong hoặc gần fairway mà Hội đồng cho là đã bị hư hại một cách bất thường thường nên được đánh dấu.
    • Nếu fairway của sân thường ở trong tình trạng tốt, sẽ hợp lý khi đánh dấu một khu vực không có cỏ trong fairway đó là mặt sân đang sửa chữa.
    • Khi có nhiều nơi không có cỏ trên diện rộng, sẽ hợp lý khi không đánh dấu chúng hoặc quy định chúng là mặt sân đang sửa chữa, mà chỉ cần đánh dấu một vài khu vực nơi người chơi sẽ gặp khó khăn trong việc đánh bóng, như là khu vực có nhiều dấu bánh xe hoặc bị hư hại nặng.
  • Càng xa fairway, càng nên ít đánh dấu mặt sân đang sửa chữa. Những khu vực ở xa fairway hoặc chưa đến nơi bóng đáp (landing zone) chỉ nên được đánh dấu nếu chúng bị hư hại rất nặng.
  • Nếu có nhiều khu vực mặt sân đang sửa chữa ở gần nhau khiến cho người chơi khi thực hiện giải thoát khỏi một khu vực có thể thả bóng ở vị trí bị ảnh hưởng bởi một khu vực khác, nên đánh dấu chúng chung vào thành một mặt sân đang sửa chữa.
(2)
Cách đánh dấu hoặc quy định ranh giới của mặt sân đang sửa chữa
Hội đồng nên đánh dấu mặt sân đang sửa chữa bằng cọc, vạch kẻ hoặc một cách khác để tránh gây hiểu lầm.
  • Không có màu sắc cụ thể nào (của cọc hoặc vạch kẻ) dành riêng cho việc đánh dấu mặt sân đang sửa chữa, nhưng thường thì cọc hoặc vạch kẻ màu trắng hoặc xanh dương thường được sử dụng. Nên tránh sử dụng cọc và vạch màu đỏ hoặc vàng để tránh gây hiểu lầm với khu vực phạt. Cách đánh dấu mặt sân đang sửa chữa nên được nêu rõ trong Luật địa phương.
  • Khi một mặt sân đang sửa chữa ở gần một vật cản cố định, nên nối chúng vào với nhau thành một điều kiện sân bất thường để cho phép giải thoát một lần khỏi cả hai điều kiện. Có thể làm việc này bằng vạch kẻ sơn nối mặt sân đang sửa chữa vào vật cản cố định. Nên nêu rõ trong Luật địa phương là vật cản cố định và những khu vực bên trong vạch kẻ nối liền với vật cản đó là một điều kiện sân bất thường (xem Luật địa phương mẫu F-3).
  • Hội đồng có thể quy định ranh giới của mặt sân đang sửa chữa bằng ngôn từ rõ ràng, nhưng chỉ nên làm thế (quy định bằng ngôn từ) khi không có hoặc có rất ít có nghi ngờ về ranh giới hoặc khu vực đó.
    • Một ví dụ của việc mô tả các hư hại trên sân và quy định chúng là mặt sân đang sửa chữa mà không phải đánh dấu chúng là khi có các hư hại nặng do dấu móng vuốt của động vật (xem Luật địa phương mẫu F-13).
    • Trong các trường hợp khác, việc quy định chung chung là không hợp lý. Ví dụ: quy định tất cả các dấu và vết bánh xe bảo dưỡng là mặt sân đang sửa chữa trong Luật địa phương là không hợp lý do một số dấu vết này là tương đối nhỏ, không đủ để được giải thoát không phạt.
G

Khu vực không được phép đánh

Định nghĩa của “khu vực không được phép đánh” quy định nó là một phần sân mà Hội đồng muốn cấm đánh. Khu vực không được phép đánh phải được quy định là một điều kiện sân bất thường hoặc một khu vực phạt và có thể bao gồm một phần hoặc toàn bộ điều kiện hoặc khu vực phạt đó.
(1)
Có thể đánh dấu những gì là khu vực không được phép đánh
Hội đồng có thể quy định một phần của một điều kiện sân bất thường hoặc một khu vực phạt là một khu vực không được phép đánh với bất kỳ lý do gì. Các lý do thông thường là:
  • Bảo vệ động vật hoang dã, môi trường sống của động vật và các khu vực nhạy cảm về môi trường.
  • Ngăn ngừa hư hỏng đối với cây con, vườn hoa, cỏ dưỡng, khu vực trồng lại cỏ hoặc các khu vực trồng cây khác.
  • Bảo vệ người chơi khỏi các nguy hiểm.
  • Giữ gìn, bảo tồn các địa điểm lịch sử và văn hóa quan trọng.
Khi quyết định nên đánh dấu một khu vực không được phép đánh là một điều kiện sân bất thường hoặc khu vực phạt, Hội đồng nên xem xét khu vực được đánh dấu đó và việc giải thoát không phạt hoặc có phạt sẽ hợp lý hơn cho người chơi từ khu vực đó. Ví dụ:
  • Nếu có một khu vực chứa nước như là suối, hồ hoặc đầm lầy bên trong, nó nên được đánh dấu là một khu vực phạt.
  • Với một khu vực nhỏ có các loại cây quý hiếm ở gần khu vực gạt bóng, đánh dấu nó là một điều kiện sân bất thường sẽ hợp lý hơn.
  • Nếu một khu vực rộng lớn gồm nhiều đồi cát dọc theo một hố có tính nhạy cảm về môi trường, đánh dấu cả khu vực đó là một điều kiện sân bất thường là quá rộng rãi và không hợp lý, do đó nên đánh dấu nó là một khu vực phạt.
Khi sân ở cạnh một bất động sản tư nhân (như là nhà cửa hoặc vườn tược), Hội đồng thường nên đánh dấu những khu vực không thuộc sân đó là ngoại biên. Nếu muốn cấm người chơi đứng ở ngoài sân để đánh bóng ở trong sân, khu vực đó có thể được đánh dấu là một khu vực không được phép đánh (xem Luật địa phương mẫu E-9).
(2)
Cách đánh dấu khu vực không được phép đánh
Hội đồng nên quy định ranh giới của một khu vực không được phép đánh bằng cọc hoặc vạch kẻ và làm rõ là khu vực này ở trong một điều kiện sân bất thường hoặc một khu vực phạt. Ngoài ra, vạch kẻ hoặc cọc (hoặc đỉnh cọc) nên báo hiệu khu vực đó là một khu vực không được phép đánh. Không có màu sắc cụ thể nào (của cọc hoặc vạch kẻ) dành riêng cho việc đánh dấu khu vực không được phép đánh, sau đây là các khuyến nghị:
  • Khu vực không được phép đánh là khu vực phạt – cọc đỏ hoặc vàng với đỉnh cọc màu xanh lá cây.
  • Khu vực không được phép đánh là điều kiện sân bất thường – cọc trắng hoặc xanh dương với đỉnh cọc màu xanh lá cây.
Có thể ngăn người chơi đi vào các khu vực nhạy cảm về môi trường (ví dụ như bằng hàng rào, biển cấm …). Hội đồng nên quy định trong Quy tắc ứng xử các hình phạt dành cho người chơi khi họ đi vào khu vực như thế để nhặt bóng hoặc lý do khác.
H

Vật thể thuộc sân

Vật thể thuộc sân là các vật thể nhân tạo mà không được giải thoát không phạt từ chúng. Ví dụ của các vật thể mà Hội đồng có thể quy định là vật thể thuộc sân bao gồm:
  • Vật thể được thiết kế là một phần thử thách của sân như là con đường hoặc lối đi mà người chơi thường phải đánh từ đó.
  • Vật thể ở rất gần vật thể xác định ranh giới sân hoặc đặc trưng khác trên sân mà việc được giải thoát không phạt từ chúng sẽ dẫn đến kết quả không mong muốn, như khi người chơi có thể thả bóng ra xa khỏi ranh giới sân hoặc đặc trưng đó. Ví dụ: quy định các dây chằng quấn quanh cây là vật thể thuộc sân để người chơi không vô tình được giải thoát không phạt khỏi cái cây do họ bị ảnh hưởng bởi dây chằng kia.
  • Vật thể như là vách tường hoặc cọc chống nhân tạo bên trong các khu vực phạt hoặc các vật thể cố định thành hoặc đáy bẫy cát. Ví dụ: khi một vách tường nhân tạo ở bên trong và gần ranh giới của một khu vực phạt, người chơi có bóng ở ngay bên ngoài khu vực phạt đó có thể đứng trên vách tường đó và được giải thoát không phạt nếu nó không được quy định là vật thể thuộc sân, trong khi người chơi có bóng ở ngay bên trong khu vực phạt đó lại không được giải thoát như thế.
Hội đồng nên quy định các vật thể này là vật thể thuộc sân trong Luật địa phương (xem Luật địa phương mẫu F-1). Khi chỉ một phần của một vật cản được quy định là vật thể thuộc sân, phần đó nên được đánh dấu riêng và nên thông báo điều này đến người chơi. Có thể làm điều này bằng việc sử dụng cọc có màu sắc khác biệt ở hai phía của vật thể đó hoặc sử dụng sơn để đánh dấu nó.
I

Khu thả bóng (Dropping Zone)

(1)
Sử dụng khu thả bóng khi nào
Khu thả bóng là một khu vực giải thoát đặc biệt mà Hội đồng có thể sử dụng. Khi thực hiện giải thoát khỏi một khu thả bóng, người chơi phải thả bóng bên trong, và bóng phải đến nằm yên bên trong khu thả bóng đó. Hội đồng nên sử dụng một Luật địa phương để quy định các tình huống mà người chơi có thể sử dụng khu thả bóng (xem Luật địa phương mẫu E-1). Nên xem xét sử dụng khu thả bóng khi có thể có vấn đề với việc sử dụng các lựa chọn giải thoát thông thường của người chơi, như là: Khu thả bóng thường được sử dụng để cho người chơi thêm một lựa chọn giải thoát. Tuy nhiên, Hội đồng có thể bắt buộc người chơi phải sử dụng khu thả bóng như là lựa chọn giải thoát duy nhất ngoài gậy-và-khoảng-cách. Khi Hội đồng bắt buộc sử dụng khu thả bóng, việc sử dụng khu thả bóng sẽ thay thế cho các lựa chọn giải thoát khác theo luật tương ứng, do đó Hội đồng nên thông báo rõ ràng việc này đến người chơi.
(2)
Vị trí khu thả bóng
Hội đồng nên bố trí khu thả bóng để giữ tính thử thách của hố theo thiết kế, thường thì sẽ không ở gần cờ hơn nơi mà người chơi có thể thả bóng khi sử dụng một trong các lựa chọn theo luật tương ứng. Ví dụ: khi bố trí khu thả bóng cho một khu vực phạt, nó nên ở nơi mà khu vực phạt đó vẫn có ảnh hưởng đến cú đánh của người chơi, thay vì ở ngay cạnh khu vực gạt bóng. Có thể đánh dấu khu thả bóng bằng nhiều cách (như là vạch kẻ trên mặt đất, vật đánh dấu như tee-marker, một cây cọc hoặc một biển hiệu), và có thể ở bất kỳ hình dạng nào, như có hình tròn hoặc hình vuông. Kích thước của khu thả bóng phụ thuộc vào tần suất sử dụng và vị trí của nó, nhưng thường thì khu thả bóng có bán kính một chiều-dài-gậy-đo hoặc nhỏ hơn. Khi đánh dấu bằng vạch kẻ sơn, có thể sử dụng biển chỉ dẫn hoặc đánh dấu trên mặt đất để báo hiệu cho người chơi. Nếu khu thả bóng được sử dụng thường xuyên, Hội đồng có thể xem xét quy định nó trong Luật địa phương. Ví dụ: khu thả bóng có bán kính một chiều-dài-gậy-đo tính từ một vật thể như là một cây cọc hoặc bảng hiệu. Điều này sẽ giúp Hội đồng di dời vật thể này khi cần thiết để đảm bảo khu thả bóng luôn ở trong tình trạng tốt.
XEM THÊM
Phần 1Vai trò của Hội đồng
Luật golf định nghĩa Hội đồng là người hoặc nhóm người chịu trách nhiệm về một giải đấu hoặc sân. Hội đồng rất quan trọng trong môn golf. Hội đồng có trách nhiệm điều hành một giải đấu hoặc cuộc chơi hàng ngày ở sân golf và luôn tuân thủ tinh thần của luật golf. Phần này của Hướng dẫn luật golf chính thức sẽ cung cấp các hướng dẫn cho Hội đồng nhằm thực hiện các công tác nói trên. Các nhiệm vụ của Hội đồng có thể gói gọn trong một giải đấu nào đó hoặc cho cuộc chơi hàng ngày ở sân golf.
Đọc phần