Quay lại
5

Trước giải đấu

Nhảy đến phần
Luật chính thức
In phần này
5
Trước giải đấu
5
Trước giải đấu
Các nguồn lực mà Hội đồng có sẽ khác nhau tùy vào sân golf hoặc quy mô của giải đấu, do đó Hội đồng có thể không phải áp dụng tất cả các khuyến nghị trong phần này. Khi đó, Hội đồng cần phải xác định ưu tiên ở giải đấu đó. Thời gian trước giải đấu là quan trọng nhất trong việc đảm bảo sự suông sẻ của giải đấu. Trách nhiệm của Hội đồng trong giai đoạn này có thể bao gồm:
A

Viết Điều lệ thi đấu

Điều lệ thi đấu thiết lập các nền tảng cho một giải đấu, bao gồm những ai có thể tham gia, cách đăng ký, kế hoạch và thể thức thi đấu và cách phân xử hòa. Hội đồng có trách nhiệm:
  • Viết điều lệ một cách rõ ràng, mạch lạc.
  • Phổ biến điều lệ này đến người chơi trước giải đấu.
  • Giải thích điều lệ nếu có câu hỏi.
Trừ các trường hợp đặc biệt, Hội đồng nên tránh thay đổi điều lệ một khi giải đấu đã bắt đầu. Người chơi có trách nhiệm tìm hiểu và tuân thủ Điều lệ thi đấu. Tham khảo Điều lệ thi đấu mẫu ở trang RandA.org.
(1)
Điều kiện thi đấu
Hội đồng có thể hạn chế những người đủ điều kiện thi đấu trong Điều lệ thi đấu. a. Yêu cầu về giới tính Giải đấu có thể chỉ dành cho người chơi của một giới tính nào đó. b. Tuổi tác Giải đấu có thể chỉ dành cho những người chơi trong một độ tuổi nào đó. Khi đó, cần làm rõ ngày mà người chơi đủ tuổi. Ví dụ:
  • Đối với các giải trẻ mà người chơi phải không lớn hơn 18 tuổi, Điều lệ thi đấu nên nêu rõ là người chơi phải 18 tuổi hoặc trẻ hơn vào ngày đầu năm hoặc một ngày khác như là ngày cuối cùng dự kiến của giải đấu đó. Đối với giải cao tuổi mà người chơi phải 55 tuổi hoặc lớn hơn, Điều lệ thi đấu có thể quy định là người chơi phải có sinh nhật lần thứ 55 đúng vào hoặc trước ngày đầu tiên dự kiến của giải đấu đó.
c. Tình trạng nghiệp dư Giải đấu có thể chỉ dành cho những người chơi nghiệp dư, chỉ dành cho những người chơi chuyên nghiệp hoặc có thể dành cho tất cả người chơi. Khi một giải đấu dành cho tất cả người chơi, Hội đồng nên yêu cầu người chơi xác định tình trạng của họ (ví dụ như nghiệp dư) trước giải đấu, như là trên đơn đăng ký. d. Giới hạn điểm chấp (handicap) Hội đồng có thể quy định giới hạn hoặc hạn chế về điểm chấp cho giải đấu. Bao gồm:
  • Giới hạn điểm chấp cao nhất hoặc thấp nhất.
  • Trong thể thức đồng đội như là Foursomes hoặc Four-Ball:
    • Giới hạn chênh lệch điểm chấp giữa các đồng đội. Hội đồng cũng có thể giảm điểm chấp của người chơi có điểm chấp cao hơn để thỏa yêu cầu này, hoặc
    • Giới hạn tổng điểm chấp của các đồng đội. Hội đồng cũng có thể giảm điểm chấp của một hoặc cả hai người chơi để thỏa yêu cầu này.
  • Đối với giải đấu có nhiều vòng đấu trong một ngày hoặc nhiều ngày liên tục, làm rõ là người chơi sẽ thi đấu cả giải đấu đó với cùng một điểm chấp (của ngày đầu tiên), hoặc nếu người chơi sẽ sử dụng điểm chấp được cập nhật cho mỗi vòng đấu. Khuyến nghị: Điểm chấp của người chơi nên được giữ nguyên cho tất cả các vòng đấu nói trên.
e. Tình trạng cư trú và thành viên Hội đồng có thể giới hạn việc đăng ký chỉ dành cho người chơi cư trú hoặc sinh ra ở một đất nước, bang, hạt hoặc lãnh thổ địa lý nào đó. Hội đồng cũng có thể yêu cầu người chơi là thành viên của một hội golf, câu lạc bộ hoặc tổ chức nào đó.
(2)
Yêu cầu và thời gian đăng ký
Cách thức đăng ký và thời gian bắt đầu và kết thúc nhận đăng ký cần được nêu rõ. Các ví dụ là:
  • Cách thức đăng ký, như là điền đơn trực tuyến, nộp đơn bằng thư hoặc điền tên lên bảng đăng ký trước giờ xuất phát.
  • Cách thức và thời gian đóng lệ phí tham gia.
  • Thời gian nhận đăng ký. Hội đồng có thể ngừng nhận đăng ký vào một ngày cụ thể hoặc cho phép người chơi đăng ký cho đến ngày thi đấu.
  • Quy trình khi số đăng ký vượt quá số lượng tối đa, như chấp nhận đăng ký theo thứ tự thời gian, qua một vòng đấu loại hoặc dựa vào điểm chấp từ thấp đến cao.
(3)
Thể thức thi đấu, bao gồm điểm chấp
Cần làm rõ các điểm liên quan đến thể thức thi đấu sau:
  • Ngày thi đấu, hoặc nếu là giải đấu đối kháng trong thời gian dài, ngày cuối cùng mà mỗi trận đấu phải hoàn thành.
  • Thể thức thi đấu (ví dụ: đấu đối kháng, đấu gậy hoặc vòng loại đấu gậy trước khi đấu đối kháng).
  • Số lượng và thứ tự các hố đấu trong vòng đấu.
  • Số vòng đấu, gồm việc có cắt loại hay không.
  • Nếu có cắt loại, khi nào sẽ có, sẽ xử lý thế nào nếu có kết quả hòa cho các vị trí cuối cùng vượt qua cắt.
  • Khu vực phát bóng sẽ được sử dụng. Đối với các giải đấu có tính điểm chấp, Hội đồng có thể xác định khu vực phát bóng mà tất cả người chơi phải sử dụng hoặc khu vực phát bóng sẽ phụ thuộc vào điểm chấp, giới tính và/hoặc tuổi tác của người chơi. Ngoài ra, Hội đồng có thể cho phép người chơi tự chọn khu vực phát bóng.
  • Phân bố độ khó của hố (hole index), như là thứ tự các hố mà người chơi sẽ được nhận hoặc phải chấp gậy.
  • Nếu có nhiều bảng đấu hoặc nhóm đấu khác nhau và cách sắp xếp chúng, xem Phần 5G(1).
  • Giải thưởng (bao gồm ai có thể nhận giải). Đối với các giải đấu có người chơi nghiệp dư, Hội đồng nên đảm bảo là giải thưởng cho người chơi nghiệp dư thấp hơn mức cho phép của Luật tình trạng nghiệp dư.
(4)
Điều lệ cho các thể thức thi đấu khác
a. Các phương pháp tính điểm khác Đối với các thể thức như Stableford, Số gậy tối đa hoặc Par/Bogey, Điều lệ thi đấu có thể làm rõ các vấn đề liên quan đến cách tính điểm hoặc số gậy tối đa mà người chơi có ở mỗi hố. b. Stableford Stableford là thể thức đấu gậy mà điểm số của mỗi người chơi hoặc phe ở mỗi hố được tính bằng điểm có được khi so sánh số gậy ở hố đó với một số gậy mục tiêu cố định của hố đó. Điểm số cố định mục tiêu là par trừ khi Hội đồng có quy định khác (xem Luật 21.1b). Nếu Hội đồng quyết định chọn số gậy mục tiêu khác, Hội đồng có thể nêu rõ điều này trong Điều lệ thi đấu, như là bogey, birdie hoặc một số gậy khác. c. Số gậy tối đa Đối với thể thức Số gậy tối đa, Điều lệ thi đấu nên nêu rõ số gậy tối đa mà người chơi có ở mỗi hố (xem Luật 21.2). Số gậy tối đa có thể được thiết lập theo một trong các cách sau:
  • So với par, như là hai lần par,
  • Một số cố định, như là 8, 9 hoặc 10, hoặc
  • So với điểm chấp của người chơi, như là net double bogey.
Khi xem xét thiết lập số gậy tối đa cho giải đấu, Hội đồng nên lưu ý các điểm sau:
  • Tổng số gậy theo par của các hố. Ví dụ: đối với sân chỉ gồm các hố par-3, số gậy tối đa ở mỗi hố có thể là 6; tuy nhiên nếu có các hố par-5 trên sân, sẽ không hợp lý khi số gậy tối đa là 6.
  • Trình độ của người chơi. Ví dụ: ở giải đấu dành cho những người mới chơi, nên chọn số gậy tối đa để mang đến cơ hội kết thúc hố cho người chơi nhưng cũng đủ để khuyến khích người chơi nhấc bóng khi họ gặp khó khăn ở một hố nào đó.
  • Có nộp bảng điểm để tính điểm chấp hay không. Khi Hội đồng muốn điểm số ở giải đấu được sử dụng để tính điểm chấp, số gậy tối đa không nên nhỏ hơn net double bogey.
d. Par/Bogey Đối với thể thức Par/Bogey, Điều lệ thi đấu nên nêu rõ số gậy cố định để so sánh với điểm số ở mỗi hố của người chơi nhằm xác định là người chơi thắng hoặc thua hố đó. Đối với giải đấu Par, điểm số cố định thường là par, và đối với giải đấu Bogey, điểm số cố định thường là bogey (1 gậy nhiều hơn par). e. Các thể thức thi đấu khác Có nhiều thể thức chơi khác như Scrambles và Greensomes. Xem Phần 9 và/hoặc trang RandA.org để biết thêm thông tin về các thể thức này. f. Các giải đấu đồng đội Khi thể thức thi đấu liên quan đến đồng đội, Hội đồng cần xem xét thêm các điều lệ khác. Các ví dụ là:
  • Hạn chế của huấn luyện viên hoặc người cho lời khuyên (xem Luật địa phương mẫu 8H).
  • Trong đấu đối kháng:
    • Thứ tự xuất phát của các thành viên trong đội, ví dụ: theo điểm chấp, hoặc sẽ do đội trưởng quyết định.
    • Nếu trận đấu có thể có kết quả hòa hoặc nếu phải thi đấu cho đến khi có người chiến thắng.
    • Số điểm cho mỗi trận thắng hoặc hòa.
    • Trong giải đấu có nhiều đội, cách xác định đội chiến thắng nếu có nhiều đội bằng điểm.
    • Nếu một vài trận đấu đã kết thúc trong khi các trận khác chưa thể kết thúc vào ngày thi đấu do thiếu ánh sáng hoặc điều kiện thời tiết, Điều lệ thi đấu nên nêu rõ cách xử lý các trận đấu đã kết thúc và chưa kết thúc. Ví dụ: Hội đồng có thể giữ nguyên và tính kết quả của các trận đấu đã kết thúc, và tính hòa hoặc phải thi đấu lại vào một ngày sau đó đối với các trận đấu chưa kết thúc. Hoặc tất cả các trận đấu phải được thi đấu lại, và mỗi đội được phép thay đổi đội hình.
    • Nếu các trận đấu còn lại phải được thi đấu cho đến khi kết thúc khi một đội đã thắng trận hoặc giải đấu.
  • Làm rõ cách tính kết quả các trận đấu cá nhân nếu một hoặc nhiều người chơi không thể bắt đầu hoặc kết thúc một trận đấu vì bất kỳ lý do nào (như là ốm đau). Ví dụ: Hội đồng có thể quy định các trận đấu đó kết thúc với kết quả hòa, hoặc chiến thắng cho đối thủ. Nếu số hố thắng và thua được sử dụng để tính kết quả trong trường hợp hòa điểm, Hội đồng nên làm rõ kết quả của trận đấu nói trên, như là 6&5.
  • Trong đấu gậy:
    • Số bảng điểm sẽ được tính vào điểm tổng của đội.
    • Nếu điểm số được tính theo 18 hố hoặc từng hố một.
    • Cách giải quyết trong trường hợp hòa điểm, ví dụ: thi đấu play-off, so bảng điểm (xem Phần 5A(6)) hoặc so sánh các bảng điểm không được tính vào kết quả tổng.
(5)
Khi nào bảng điểm đã được nộp
Trong đấu gậy, Luật 3.3b quy định người chơi chịu trách nhiệm về sự chính xác của điểm số các hố của họ và nộp bảng điểm một cách nhanh chóng cho Hội đồng sau khi kết thúc vòng đấu. Hội đồng nên thông báo cho người chơi nơi nộp bảng điểm, có người trực sẵn để hỗ trợ giải quyết các vấn đề về luật của người chơi và xác nhận điểm số. Khi có thể, nên có một khu vực riêng, yên tĩnh để người chơi có thể kiểm tra điểm số trên bảng điểm của họ, nói chuyện với thành viên Hội đồng nếu cần và nộp bảng điểm đó. a. Làm rõ khi nào bảng điểm đã được nộp Hội đồng nên nêu rõ khi nào bảng điểm được xem như đã được nộp. Các lựa chọn là:
  • Quy định một khu vực ghi điểm và cho phép người chơi được thay đổi bảng điểm của họ cho đến khi họ đã rời khỏi khu vực đó. Điều này có nghĩa là, cho dù nếu người chơi đã trao bảng điểm cho một trọng tài hoặc người ghi điểm, vẫn có thể thay đổi bảng điểm đó khi người chơi vẫn còn ở trong khu vực này.
  • Yêu cầu người chơi thả bảng điểm vào trong một cái thùng điểm, trong tình huống này bảng điểm xem như đã được nộp khi người chơi thả nó vào cái thùng đó. Cách này có thể không cho người chơi nhiều sự bảo vệ khi nộp bảng điểm có điểm sai, nhưng sẽ là phương pháp tốt nhất khi nguồn lực là hạn chế hoặc có nhiều người chơi kết thúc vòng đấu cùng lúc (ví dụ: vòng đấu xuất phát cùng lúc – shotgun).
b. Yêu cầu người chơi cung cấp các thông tin khác trên bảng điểm Hội đồng có thể yêu cầu người chơi ghi điểm chấp của họ lên bảng điểm (Luật địa phương mẫu L-2). Hội đồng có thể yêu cầu người chơi hỗ trợ Hội đồng hoàn thiện các công việc thuộc trách nhiệm của Hội đồng. Hội đồng không được xử phạt người chơi theo luật golf nếu họ không tuân thủ các yêu cầu này hoặc có sai sót khi làm thế, nhưng Hội đồng có thể có hình thức kỷ luật khác đối với người chơi thường xuyên không tuân thủ yêu cầu này. Ví dụ: Hội đồng có thể yêu cầu người chơi:
  • Cộng gậy tổng, hoặc trong giải đấu Four-Ball, xác định điểm sẽ được tính cho phe.
  • Ghi điểm có được ở mỗi hố trên bảng điểm ở thể thức Stableford.
  • Ghi kết quả thắng, thua hoặc hòa hố ở thể thức Par/Bogey.
  • Ghi các thông tin cụ thể khác trên bảng điểm như họ tên, ngày, tên giải đấu.
Tương tự, Hội đồng có thể yêu cầu người chơi hỗ trợ Hội đồng trong việc nhập điểm của họ vào hệ thống máy tính ở cuối vòng đấu, nhưng sẽ không xử phạt theo luật golf nếu người chơi không tuân thủ yêu cầu này hoặc có sai sót khi làm thế. Nhưng Hội đồng có thể có hình thức kỷ luật khác, như theo các quy định trong bộ quy tắc ứng xử, đối với người chơi thường xuyên không tuân thủ yêu cầu này.
(6)
Cách phân xử hòa
Trong đấu đối kháng và đấu gậy, Điều lệ thi đấu có thể quy định cách phân xử hòa. a. Đấu đối kháng Nếu trận đấu hòa sau hố cuối cùng, trận đấu đó sẽ được kéo dài từng hố một cho đến khi có người chiến thắng (xem Luật 3.2a(4)), trừ khi Điều lệ thi đấu quy định khác. Điều lệ thi đấu nên làm rõ là trận đấu có thể kết thúc hòa hoặc nếu có phương pháp play-off khác với quy định của Luật 3.2a(4). Các lựa chọn bao gồm:
  • Trận đấu kết thúc với tỉ số hòa,
  • Trận đấu kéo dài từ một hố nào đó thay vì hố đầu tiên, hoặc
  • Play-off qua một vài hố (ví dụ: 9 hoặc 18 hố).
Trong trận đấu có tính điểm chấp, độ khó của hố (đã được thiết lập bởi Hội đồng) nên được giữ nguyên trừ khi Điều lệ thi đấu quy định khác. Trận đấu hòa không nên được phân xử bằng play-off theo đấu gậy. b. Đấu gậy Điều lệ thi đấu nên làm rõ là giải đấu có thể kết thúc với kết quả hòa, hoặc nếu sẽ có play-off hoặc so bảng điểm để xác định người thắng cuộc hoặc các vị trí khác. Kết quả hòa trong đấu gậy không nên được phân xử bằng một trận đấu đối kháng. c. Play-off trong đấu gậy Nếu có play-off trong đấu gậy, Điều lệ thi đấu nên quy định những điểm sau:
  • Khi nào play-off diễn ra, ví dụ: diễn ra vào một thời gian nào đó, nhanh nhất có thể sau khi nhóm cuối cùng đã kết thúc hoặc vào một ngày sau đó.
  • Các hố được sử dụng cho play-off và thứ tự của chúng.
  • Số lượng số được sử dụng cho play-off, ví dụ: play-off từng hố (cái chết bất ngờ) hoặc qua nhiều hố hơn như là 2, 4 hoặc 18 hố, và phải làm gì nếu vẫn hòa.
  • Trong thể thức đấu gậy thông thường có tính điểm chấp, ở lượt play-off với ít hơn 18 hố, nên xác định số gậy chấp dựa vào số lượng hố play-off. Ví dụ: play-off một hố, 1/18 của các điểm chấp nên được trừ khỏi điểm số của hố play-off. Nên áp dụng điểm chấp lẻ theo luật golf hoặc theo các khuyến nghị của Hệ thống handicap thế giới hoặc các hướng dẫn khác của cơ quan quản lý handicap địa phương.
  • Đối với play-off ở các giải đấu tính điểm net có tính độ khó của các hố, như là Four-Ball Par/Bogey hoặc Stableford, nên áp dụng số gậy chấp ở các hố play-off giống như trong giải đấu, theo độ khó của hố đó.
  • Người chỉ được yêu cầu nộp bảng điểm của vòng play-off nếu Hội đồng đã phát chúng cho họ.
d. So sánh bảng điểm (còn gọi là đếm ngược bảng điểm) Nếu không thể hoặc không muốn tổ chức play-off, Điều lệ thi đấu có thể quy định là các vị trí hòa sẽ được phân xử bằng cách so sánh bảng điểm. Cho dù người chiến thắng của một giải đấu được quyết định bằng play-off, có thể xác định các thứ hạng khác bằng cách so sánh bảng điểm. Cần nêu rõ là sẽ như thế nào nếu phương pháp so sánh bảng điểm này không thể xác định được người chiến thắng. Một phương pháp so sánh bảng điểm là xác định người chiến thắng dựa vào kết quả của vòng đấu cuối cùng. Nếu có nhiều người chơi có cùng kết quả ở vòng cuối cùng hoặc nếu giải đấu chỉ có một vòng đấu, xác định người chiến thắng dựa vào điểm của chín hố cuối, sáu hố cuối, ba hố cuối và cuối cùng là hố 18. Nếu vẫn hòa, tính điểm (theo thứ tự) của sáu hố cuối, ba hố cuối hoặc hố cuối cùng của chín hố đầu tiên. Nếu vòng đấu có ít hơn 18 hố, có thể điều chỉnh số lượng hố để so sánh điểm. Nếu phương pháp này không thể xác định được người chiến thắng, Hội đồng nên phân xử là giải đấu có kết quả hòa, hoặc xác định người chiến thắng theo một cách ngẫu nhiên (như là tung đồng xu). So sánh bảng điểm còn được gọi là đếm ngược bảng điểm hoặc play-off theo bảng điểm. Các lưu ý khác:
  • Nếu sử dụng phương pháp này trong giải đấu xuất phát từ nhiều khu vực phát bóng khác nhau, nên quy định “chín hố cuối, sáu hố cuối, v.v.” là các hố 10-18, 13-18, v.v.
  • Đối với các giải đấu tính điểm net mà không sử dụng độ khó của hố, như là giải đấu gậy cá nhân, nếu sử dụng chín hố cuối, sáu hố cuối, ba hố cuối, nên trừ 1/2, 1/3, 1/6, v.v. điểm chấp khỏi kết quả của các hố đó. Nên áp dụng điểm chấp lẻ theo luật golf hoặc theo các khuyến nghị của Hệ thống handicap thế giới hoặc các hướng dẫn khác của cơ quan quản lý handicap địa phương.
  • Đối với các giải đấu tính điểm net mà có sử dụng độ khó của hố, như là đấu gậy Four-Ball, Par/Bogey hoặc Stableford, nên áp dụng số gậy chấp ở các hố play-off giống như trong giải đấu, theo độ khó của hố đó.
(7)
Khi kết quả giải đấu là cuối cùng
Hội đồng cần làm rõ trong Điều lệ thi đấu là giải đấu sẽ kết thúc khi nào và như thế nào do nó sẽ ảnh hưởng đến cách mà Hội đồng giải quyết các vấn đề luật xảy ra sau khi cuộc chơi đã kết thúc trong cả đấu đối kháng và đấu gậy (xem Luật 20). a. Đấu đối kháng Ví dụ khi Điều lệ thi đấu quy định kết quả của trận đấu là cuối cùng:
  • Khi kết quả được ghi lại trên bảng ghi điểm chính thức hoặc ở một nơi khác, hoặc
  • Khi kết quả được báo cáo cho một người được Hội đồng chỉ định.
Trong trường hợp trận đấu được xác định là cuối cùng khi kết quả được cập nhật lên một bảng điểm chính thức, Hội đồng có thể có trách nhiệm ghi tên người thắng trận trên bảng điểm đó hoặc giao nhiệm vụ đó cho người chơi. Trong một số trường hợp, bảng điểm chính thức là một kiến trúc nổi bật (màn hình LED, bảng điểm lớn) và trong một số trường hợp khác chỉ là một tờ giấy trong cửa hàng golf hoặc trong phòng thay đồ. Trong trường hợp Hội đồng phân công một trọng tài đi theo một trận đấu, việc thông báo kết quả cuối cùng của trận đấu của trọng tài ở hố cuối cùng không phải là thông báo chính thức trừ khi được quy định trong Điều lệ thi đấu. b. Đấu gậy Ví dụ khi Điều lệ thi đấu quy định kết quả của giải đấu gậy là cuối cùng:
  • Tất cả kết quả được cập nhật trên bảng điểm hoặc bảng thông báo,
  • Người thắng cuộc đã được tuyên bố ở lễ trao giải, hoặc
  • Cúp đã được trao.
Trong vòng đấu loại theo thể thức đấu gậy trước giải đấu đối kháng, Luật 20.2e(2) quy định là phần đấu gậy của giải đấu đó kết thúc khi người chơi đã phát bóng để bắt đầu trận đấu đối kháng của họ.
(8)
Thay đổi điều lệ thi đấu sau khi giải đấu đã bắt đầu
Điều lệ thi đấu quy định nền tảng của một giải đấu, một khi giải đấu đã bắt đầu, chỉ có thể thay đổi điều lệ trong các trường hợp đặc biệt. Ví dụ của trường hợp mà không nên thay đổi Điều lệ thi đấu:
  • Khi người chơi bắt đầu một vòng đấu với thông tin về số lượng các hố sẽ phải chơi và tính toán cuộc chơi của họ dựa vào đó, không nên thay đổi số lượng hố của vòng đấu đó một khi đã bắt đầu. Ví dụ: nếu thời tiết xấu khiến cho cuộc chơi bị dừng sau khi tất cả người chơi đã hoàn thành 9 hố của vòng đấu 18 hố, Hội đồng không nên công bố kết quả dựa vào 9 hố đó.
Ví dụ của các trường hợp đặc biệt mà có thể thay đổi Điều lệ thi đấu:
  • Nếu điều kiện thời tiết ảnh hưởng đến số vòng đấu có thể được chơi trong thời gian cho phép, số lượng các vòng đấu hoặc số lượng các hố trong những vòng đấu chưa bắt đầu có thể được thay đổi theo tình hình lúc đó. Tương tự, nếu không thể hoàn thành thể thức thi đấu như kế hoạch trong thời gian cho phép, có thể thay đổi thể thức thi đấu.
  • Không nên thay đổi cách phân xử hòa trừ trường hợp đặc biệt. Ví dụ: nếu phương pháp phân xử hòa cho một giải đấu gậy là play-off từng hố, nhưng thời tiết xấu khiến việc thi đấu play-off là không thể, Hội đồng có thể chuyển cách phân xử hòa qua so sánh bảng điểm.
(9)
Doping và chất kích thích/ chất cấm
Điều lệ thi đấu có thể yêu cầu người chơi tuân thủ các quy định về phòng chống doping. Hội đồng có trách nhiệm soạn và minh giải các quy định phòng chống doping của họ, và có thể tham khảo hướng dẫn từ các cơ quan quản lý quốc gia.
B

Đánh dấu sân

Khi chuẩn bị cho một giải đấu, Hội đồng nên đảm bảo là sân được đánh dấu đúng bằng việc giữ lại các đánh dấu của sân cho cuộc chơi hàng ngày hoặc điều chỉnh nếu cần thiết. Mặc dù không có phương pháp “đúng hoàn toàn” khi đánh dấu sân, việc không đánh dấu sân hoặc đánh dấu không tốt có thể sẽ dẫn đến những trường hợp mà người chơi không thể chắc chắn về cách thực hiện theo luật hoặc Hội đồng bị buộc phải ra các quyết định khiến người chơi nhận đối xử khác nhau trong khi cuộc chơi đang diễn ra. Phần 2 cung cấp các hướng dẫn và lưu ý chi tiết về cách đánh dấu sân cho cuộc chơi hàng ngày, mà cũng có thể được áp dụng cho các giải đấu và nên được Hội đồng tham khảo khi chuẩn bị cho giải đấu. Khi cần điều chỉnh việc đánh dấu sân cho giải đấu, Hội đồng nên đảm bảo là chúng được thông tin một cách rõ ràng đến những người thường xuyên chơi ở sân đó để họ biết, giảm khả năng sai sót. Ngoài các thông tin ở Phần 2, Hội đồng có thể lưu ý các điểm sau:
(1)
Ngoài biên
Hội đồng có trách nhiệm đánh dấu tất cả ranh giới sân một cách chính xác. Nên sơn một vòng tròn nhỏ xung quanh phần đế của cọc trắng hoặc một vật thể xác định ranh giới khác mà có thể bị di chuyển trong cuộc chơi để giúp đưa nó về vị trí ban đầu một cách dễ dàng. Nếu sử dụng vạch kẻ hoặc chấm sơn để đánh dấu ranh giới, nên thỉnh thoảng sơn nhắc lại để chúng luôn rõ ràng. Luật địa phương nên làm rõ các ranh giới được quy định theo cách khác (trừ cọc hoặc hàng rào) (xem Luật địa phương mẫu A-1).
(2)
Khu vực phạt
Trước giải đấu, Hội đồng có thể muốn đánh giá lại việc đánh dấu của một vài hoặc tất cả các khu vực phạt.
  • Không nên đánh dấu các khu vực phạt chứa nước là một phần của khu vực chung, nhưng có thể điều chỉnh ranh giới của chúng.
  • Có thể thêm vào hoặc bỏ đi các khu vực phạt, hoặc điều chỉnh ranh giới của chúng để khiến cho chúng khó hơn (đặc biệt là đối với các cú đánh hỏng). Ví dụ: Hội đồng có thể đánh dấu khu vực cây cối rậm rạp là khu vực phạt cho cuộc chơi hàng ngày, nhưng không phải là khu vực phạt cho giải đấu. Nên thông báo rõ ràng việc này đến những người thường xuyên chơi sân này.
  • Khi thêm vào hoặc bỏ đi các khu vực phạt, Hội đồng nên tham khảo luật hoặc các hướng dẫn của Hệ thống handicap thế giới (World handicap system) hoặc các hướng dẫn khác từ cơ quan quản lý handicap địa phương nhằm xác định nếu các thay đổi đó có ảnh hưởng đến độ khó của sân (Course Rating).
  • Có thể thay đổi màu sắc của một số khu vực phạt từ đỏ thành vàng hoặc ngược lại. Ví dụ: đối với một số giải đấu, Hội đồng có thể muốn một số khu vực phạt ở gần khu vực gạt bóng có màu vàng để người chơi không có lựa chọn thả bóng gần khu vực gạt bóng khi bóng của họ lăn ngược từ phía khu vực gạt bóng xuống khu vực phạt đó. Trong các trường hợp khác, có thể hợp lý hơn khi có một khu thả bóng (dropping zone) để cho người chơi thêm một lựa chọn, ví dụ như ở các hố có khu vực gạt bóng kiểu đảo mà người chơi phải đánh bóng qua nước.
  • Đối với cuộc chơi hàng ngày, khi Hội đồng sử dụng số lượng cọc tối thiểu để đánh dấu khu vực phạt hoặc một số cọc đã bị nhổ đi, một vài đoạn của khu vực phạt đó sẽ ở bên ngoài khu vực được đánh dấu. Đối với các giải đấu, phải kiểm tra và thêm cọc nếu cần để đảm bảo là toàn bộ khu vực phạt được đánh dấu một cách chính xác.
  • Khi có thể, nên sơn vàng hoặc đỏ xung quanh khu vực phạt thay vì chỉ dựa vào cọc. Vạch kẻ sẽ đảm bảo là khu vực phạt được đánh dấu chính xác, ranh giới không bị thay đổi do việc nhổ cọc của người chơi và người chơi có thể dễ dàng xác định nơi thực hiện giải thoát. Thường thì sẽ sử dụng ít cọc hơn khi có vạch kẻ sơn.
(3)
Bẫy cát
Với đa số sân, Hội đồng không cần phải làm gì để chuẩn bị các bẫy cát cho giải đấu. Chúng chỉ cần được cào lại cẩn thận vào buổi sáng trước giải và cào được đặt ở nơi mà Hội đồng mong muốn (xem Phần 2D). Nếu khó xác định ranh giới của bẫy cát, Hội đồng nên xem xét có cần quy định chúng rõ ràng hơn (qua việc bảo dưỡng, đánh dấu hoặc Luật địa phương) để tránh nhầm lẫn cho người chơi và trọng tài.
(4)
Các điều kiện sân bất thường và vật thể thuộc sân
Hội đồng nên kiểm tra toàn bộ sân để đảm bảo là các khu vực nên được đánh dấu là mặt sân đang sửa chữa được đánh dấu chính xác. Nên làm rõ tình trạng của các vật cản hoặc vật thể thuộc sân trong Luật địa phương (xem Luật địa phương mẫu F-1). Lý tưởng nhất là Hội đồng nên đánh dấu tất cả các mặt sân đang sửa chữa trước khi giải đấu diễn ra. Tuy nhiên, Hội đồng cũng có thể quy định một khu vực là mặt sân đang sửa chữa khi vòng đấu đang diễn ra nếu điều đó là hợp lý và cần thiết. Khi cho phép giải thoát khỏi khu vực không được đánh dấu như thế trong vòng đấu, Hội đồng nên đánh dấu khu vực đó là mặt sân đang sửa chữa sớm nhất có thể để những người chơi khác biết về tình trạng của chúng.
(5)
Khu vực không được phép đánh
Nếu có khu vực không được phép đánh trên sân, Hội đồng nên đảm bảo là chúng được xác định và đánh dấu chính xác. Hội đồng cũng nên ra thông báo về các khu vực này để người chơi biết là họ không được phép đánh bóng từ trong chúng.
(6)
Vật cản tạm thời
Các kiến trúc tạm thời như nhà lều hoặc khán đài có thể được dựng lên cho giải đấu. Tình trạng của các kiến trúc này cần được làm rõ trong Luật địa phương là vật cản cố định hoặc vật cản cố định tạm thời (TIOs). Nếu chúng là TIOs, Luật địa phương về vật cản cố định tạm thời nên được áp dụng (xem Luật địa phương mẫu F-23). Luật địa phương này cho người chơi thêm một lựa chọn giải thoát khi bị ảnh hưởng hướng nhìn để họ không phải đánh bóng vòng qua hoặc vượt qua vật cản đó.
C

Luật địa phương

Hội đồng có trách nhiệm trong việc quyết định có sử dụng Luật địa phương nào hay không và đảm bảo chúng nhất quán với các nguyên tắc và hướng dẫn ở Phần 8. Luật địa phương là sự thay đổi, điều chỉnh của một điều luật hoặc là một điều luật mới thêm vào mà Hội đồng áp dụng cho một giải đấu nào đó hoặc cho cuộc chơi thông thường hàng ngày. Hội đồng cần đảm bảo là người chơi có thể tiếp cận các Luật địa phương một cách dễ dàng thông qua các phương thức khác nhau như bảng điểm, thông báo cho người chơi, trên bảng thông báo hoặc trên trang web của sân golf. Khi xem xét áp dụng một Luật địa phương, Hội đồng nên lưu ý các điểm sau:
  • Luật địa phương có tình trạng giống như Luật golf ở giải đấu hoặc sân, và
  • Chỉ nên sử dụng Luật địa phương để giải quyết các tình huống được mô tả ở phần mục đích của Phần 8.
  • Không nên thay đổi Luật địa phương của một giải đấu một khi vòng đấu gậy đã bắt đầu, trừ khi thay đổi đó được thực hiện trước khi bất kỳ người chơi nào trong giải đấu đó có thể bị ảnh hưởng bởi thay đổi đó.
Danh sách đầy đủ của các Luật địa phương mẫu có ở đầu Phần 8. Các Luật địa phương có thể được sử dụng cho cuộc chơi hàng ngày bao gồm các mục chính sau:
  • Xác định ranh giới sân và các khu vực khác trên sân (Phần 8A-8D),
  • Các quy trình giải thoát đặc biệt (Phần 8E),
  • Điều kiện sân bất thường và vật thể thuộc sân (Phần 8F),
  • Sử dụng một số trang thiết bị (Phần 8G),
  • Ai có thể hỗ trợ hoặc cho người chơi lời khuyên (Phần 8H),
  • Khi nào và nơi nào người chơi có thể đánh tập (Phần 8I),
  • Quy trình khi thời tiết xấu và tạm dừng chơi (Phần 8J),
  • Quy định tốc độ chơi (Phần 8K),
  • Trách nhiệm với bảng điểm (Phần 8L), và
  • Luật địa phương mẫu cho người chơi khuyết tật (Phần 8M).
D

Yêu cầu về điều kiện thi đấu của người chơi khuyết tật khi áp dụng Luật 25

Như quy định ở Luật 25.1, các điều chỉnh luật đối với người chơi khuyết tật được áp dụng cho tất cả các giải đấu, và việc người chơi có thể sử dụng điều luật nào của Luật 25 tùy thuộc vào phân loại khuyết tật và tính hợp lệ của người chơi đó. Việc đánh giá tính hợp lệ của người chơi không nhất thiết là nhiệm vụ của Hội đồng. Xác định tính hợp lệ của người chơi để sử dụng một điều luật của Luật 25 có thể đơn giản, rõ ràng hoặc không. Tính hợp lệ của Luật 25 dựa vào ảnh hưởng mà khuyết tật của người chơi gây ra cho khả năng chơi golf của họ hơn là dựa vào việc xác định là người chơi có phải là một người khuyết tật hay không. Hội đồng có thể yêu cầu người chơi cung cấp bằng chứng về sự khuyết tật của họ để xác nhận tính hợp lệ của họ khi sử dụng Luật 25. Bằng chứng đó có thể là một chứng nhận y tế, xác nhận của cơ quan quản lý quốc gia, thẻ do tổ chức y tế được công nhận, hoặc tương tự. Ngoài ra, Hội đồng có thể nêu rõ là chỉ những người chơi có thẻ hoặc chứng nhận đặc biệt mới đủ điều kiện tham gia một giải đấu nào đó (khi đó người chơi đủ điều kiện tham gia sẽ sử dụng các điều chỉnh luật phù hợp với phân loại khuyết tật của họ). Ví dụ của các loại thẻ mà Hội đồng có thể yêu cầu là bằng chứng cho loại khuyết tật hoặc là điều kiện thi đấu cho một giải đấu nào đó là Thẻ người chơi EDGA WR4GD và Thẻ thành viên EDGA. Các loại thẻ này được phát hành và quản lý bởi Ban điều kiện thi đấu EDGA và quy trình nộp đơn để nhận thẻ EDGA của người chơi là miễn phí. Thông tin thêm ở trang: www.edgagolf.com/online/pass/pass_info.php
E

Quy định các khu vực tập luyện

Nhiều sân có các khu vực đánh tập riêng, như là sân tập (practice range) và sân tập gạt bóng, chipping và đánh từ bẫy cát. Người chơi được phép tập luyện ở các khu vực này, cho dù chúng ở trong sân hoặc ngoại biên. Nên ghi rõ những khu vực đánh tập ở trong sân vào trong Luật địa phương để làm rõ việc người chơi có được sử dụng chúng trước và sau vòng đấu của họ. Hội đồng có thể cần phải quy định ranh giới của các khu vực này để giới hạn nơi mà người chơi có thể tập luyện. Hội đồng cũng có thể thay đổi thời gian và địa điểm cho phép đánh tập như sau:
  • Luật địa phương có thể cho phép đánh tập ở một số nơi trên sân, như là ở sân tập cố định. Tuy nhiên, khi áp dụng Luật địa phương này, người chơi không nên được phép đánh tập trên các khu vực gạt bóng hoặc từ các bẫy cát trên sân.
  • Luật địa phương có thể cho phép đánh tập trên sân nói chung, ví dụ:
    • Nếu giải đấu bắt đầu muộn và Hội đồng không muốn hạn chế người chơi chơi trên sân đó vào buổi sớm cùng ngày, hoặc
    • Nếu cuộc chơi bị tạm dừng và sẽ hợp lý hơn khi cho phép người chơi thực hiện vài cú đánh tập trên sân so với việc đưa người chơi về sân tập để làm điều đó.
  • Luật 5.2 quy định khi nào việc đánh tập được cho phép hoặc bị cấm trước hoặc giữa các vòng đấu, nhưng Hội đồng có thể áp dụng Luật địa phương để điều chỉnh chúng (xem Luật địa phương mẫu I-1).
  • Luật 5.5 cho phép Hội đồng sử dụng Luật địa phương cấm đánh tập trên hoặc gần với khu vực gạt bóng của hố vừa hoàn thành (xem Luật địa phương mẫu I-2).
F

Khu vực phát bóng và vị trí cờ

(1)
Chọn khu vực phát bóng
Khi chọn khu vực phát bóng cho giải, Hội đồng nên lưu ý sự cân bằng về độ khó của sân và khả năng của người chơi. Ví dụ: không nên chọn khu vực phát bóng mà người chơi bắt buộc phải phát bóng qua một địa hình nào đó (như là một khu vực phạt cắt ngang phía trước) mà đa số người chơi của giải sẽ không thể thực hiện trừ với cú đánh tốt nhất của họ. Hội đồng có thể sử dụng các khu vực phát bóng cho giải đấu khác với cho cuộc chơi hàng ngày. Khi đó, Hội đồng nên tham khảo luật hoặc các hướng dẫn của Hệ thống handicap thế giới (World handicap system) hoặc các hướng dẫn khác từ cơ quan quản lý handicap địa phương nhằm xác định nếu các thay đổi đó có ảnh hưởng đến độ khó của sân (Course Rating). Nếu không làm thế, các điểm số ở giải đấu đó có thể sẽ không được chấp nhận cho mục đích tính điểm chấp. Có thể thay đổi vị trí của khu vực phát bóng giữa các vòng đấu, bao gồm khi có nhiều vòng đấu trong cùng một ngày. Nên đánh dấu, thường là với một chấm sơn, về một bên hoặc bên dưới các tee-markers để có thể đưa chúng về đúng vị trí nếu bị dịch chuyển trong vòng đấu. Khi có nhiều vòng đấu, có thể sử dụng số lượng chấm sơn khác nhau cho mỗi vòng. Nếu giải đấu diễn ra trên sân mà không có bảng chỉ dẫn các hố, hoặc ở sân mà Hội đồng quyết định chơi theo thứ tự hố khác với cuộc chơi hàng ngày, nên có các bảng chỉ dẫn thông tin hố một cách rõ ràng.
(2)
Chọn vị trí cờ
Lý tưởng nhất là các hố cờ được đục vào ngày diễn ra giải và ở các thời điểm khác theo yêu cầu của Hội đồng, miễn là tất cả người chơi trong một vòng đấu chơi với cùng một vị trí cờ. Nhưng khi một vòng đấu được diễn ra trong nhiều ngày (như khi người chơi có thể chọn ngày thi đấu trong một giải đấu), Hội đồng có thể thông báo cho người chơi (qua Điều lệ thi đấu) là vị trí cờ và khu vực phát bóng sẽ thay đổi mỗi ngày ở giải đấu đó. Nhưng ở mỗi ngày, tất cả người chơi phải chơi với cùng một vị trí cờ. Vị trí cờ trên khu vực gạt bóng có thể có ảnh hưởng lớn đến điểm số và tốc độ chơi của giải đấu. Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc chọn vị trí cờ, quan trọng nhất là các điểm sau:
  • Khi chọn vị trí cờ, cần lưu ý đến trình độ của người chơi để vị trí cờ không quá khó đến mức làm chậm cuộc chơi một cách trầm trọng hoặc quá dễ đối với người chơi có trình độ cao hơn.
  • Tốc độ khu vực gạt bóng là một yếu tố quan trọng trong việc chọn vị trí cờ. Một vị trí cờ có thể tốt với tốc độ chậm nhưng sẽ trở nên quá khó khi tốc độ khu vực gạt bóng đó tăng lên.
  • Hội đồng nên tránh chọn vị trí cờ ở sườn dốc, nơi bóng sẽ không thể dừng. Khi địa hình khu vực gạt bóng cho phép, khu vực xung quanh hố cờ nên có ít nhất hai đến ba feet bằng phẳng để các cú gạt với tốc độ tốt có thể dừng xung quanh hố cờ đó.
Các lưu ý khác:
  • Chọn vị trí cờ để có đủ bề mặt khu vực gạt bóng từ hố cờ đến mép trước và sau của khu vực gạt bóng đó cho các cú đánh tiếp cận cờ ở hố đó. Ví dụ: không nên chọn vị trí cờ ở ngay phía sau một bẫy cát đối với cú đánh tiếp cận cờ từ khoảng cách xa đối với hầu hết người chơi trong giải.
  • Cân bằng các vị trí cờ trên toàn bộ sân trong tương quan giữa các vị trí trái, phải, giữa, trước và sau.
G

Xếp nhóm và thời gian xuất phát

(1)
Xếp nhóm
Trong giải đấu đối kháng, bảng xếp nhóm sẽ bao gồm thứ tự xuất phát của các nhóm đấu và người chơi nào sẽ thi đấu với nhau ở vòng đầu tiên. Có thể xếp nhóm theo một trong các cách sau:
  • Ngẫu nhiên – Người chơi được chọn vào các trận và nhóm một cách ngẫu nhiên.
  • Điểm của vòng đấu loại – Người chơi sẽ chơi một hoặc nhiều vòng đấu loại rồi được xếp dựa vào kết quả của vòng đấu loại đó.
  • Theo điểm chấp – Người chơi sẽ được xếp nhóm dựa vào điểm chấp, theo đó người chơi có điểm chấp thấp nhất sẽ thi đấu với người có người có điểm chấp cao nhất, người chơi có điểm chấp thấp nhì thi đấu với người có điểm chấp cao nhì, và cứ như thế.
  • Hạt giống – Một số người chơi, như là đương kim vô địch, có thể được xếp hạt giống và xếp vào các nhóm nào đó, trong khi những người chơi khác được xếp một cách ngẫu nhiên hoặc theo kết quả đấu loại.
Khi sử dụng kết quả đấu loại để xếp nhóm, nên sắp xếp để hai người chơi xếp hạng cao nhất được phân vào hai nhánh trái ngược nhau và tiếp tục như thế cho đến người xếp hạng cuối cùng như ở bảng sau. Khi xác định hạt giống, các vị trí hòa ở vòng đấu loại, trừ vị trí cuối cùng, có thể được xác định như sau:
  • Thứ tự nộp bảng điểm, với bảng điểm được nộp đầu tiên sẽ có được xếp hạt giống thấp nhất và tiếp tục như thế,
  • So sánh bảng điểm, hoặc
  • Rút thăm ngẫu nhiên giữa những người chơi có cùng kết quả.
Khi có kết quả hòa cho vị trí cuối cùng, Hội đồng có thể cho thi đấu play-off hoặc cho thêm một vòng đấu nữa để giảm số người chơi xuống thành một số chẵn. Nên nêu rõ điều này trong Điều lệ thi đấu. Trong một số trường hợp, Hội đồng có thể chọn xếp hạt giống đương kim vô địch. Khi làm thế, thường thì nên xếp đương kim vô địch là hạt giống số 1 hoặc 2. Hội đồng cũng nên làm rõ là đương kim vô địch có được thi đấu ở vòng đấu loại hay không, nếu thi đấu sẽ khiến họ không còn được xếp hạt giống như trên nữa. Chia bảng đấu Mặc dù có nhiều giải đấu mà tất cả người chơi thi đấu trực tiếp cùng nhau, có nhiều giải đấu mà Hội đồng có thể chia nhỏ ra thành nhiều bảng. Làm điều này là để người chơi có trình độ tương đồng nhau có thể thi đấu cùng nhau hoặc để có thể có nhiều người thắng cuộc. Việc chia bảng đấu có thể dựa vào điểm chấp, vào vòng đấu loại theo thể thức đấu gậy hoặc bởi một phương pháp khác do Hội đồng quyết định. Hội đồng nên nêu rõ cách xác định các bảng đấu trong Điều lệ thi đấu. Mặc dù các bảng đấu có thể được xếp theo điểm chấp, không nhất thiết phải tính kết quả theo điểm net ở mỗi bảng đấu do tất cả người chơi trong một bảng đấu có trình độ tương đương nhau. Trong giải đấu đối kháng, nên sắp xếp số lượng người chơi ở các bảng đấu để không có người chơi nào bị lẻ và do đó được vào thẳng vòng trong mà không phải thi đấu, lý tưởng nhất là tất cả người chơi sẽ chơi số lượng trận đấu đối kháng loại trực tiếp như nhau, như là 8, 16, 32, 64 hoặc 128 người chơi. Nếu không đủ người chơi để xếp bảng, nên cho một số người chơi được vào thẳng vòng trong. Không cần tất cả các bảng đấu phải có cùng số lượng người chơi. Ví dụ: bảng vô địch có thể có 32 người chơi trong khi những bảng khác có 16 người.
(2)
Giờ xuất phát và nhóm đấu
Hội đồng có thể xếp nhóm và giờ xuất phát hoặc cho phép người chơi tự sắp xếp. Khi Hội đồng cho phép người chơi tự sắp xếp giờ xuất phát, giờ xuất phát đó sẽ có cùng tình trạng như được sắp xếp bởi Hội đồng (xem Luật 5.3a). Có nhiều điểm cần lưu ý khi xác định số người chơi trong một nhóm và khoảng cách xuất phát giữa các nhóm. Khi xếp nhóm và giờ xuất phát, tốc độ chơi và thời gian có thể chơi trong ngày là các điểm lưu ý quan trọng. Nhóm hai người sẽ chơi nhanh hơn nhóm ba hoặc bốn người. Thời gian xuất phát giữa các nhóm có thể ngắn hơn với nhóm ít người hơn. Khi Hội đồng cho người chơi xuất phát từ nhiều hố khác nhau (như là từ hố 1 và 10), cần lưu ý thời gian xuất phát của nhóm cuối cùng, tránh trường hợp các nhóm xuất phát đầu tiên ở hố bên kia, sau khi đến khu vực phát bóng của hố bên này, phải chờ các nhóm xuất phát cuối cùng đó quá lâu. Xem các khuyến nghị về thời gian xuất phát giữa các nhóm ở Phần 4A(1). Khi giải đấu đối kháng diễn ra trong thời gian dài và người chơi ở các trận đấu được phép thỏa thuận thời điểm thi đấu trong khoảng thời gian nói trên:
  • Hội đồng nên xác định ngày và thời điểm mà mỗi trận đấu phải được hoàn thành.
  • Hội đồng nên làm rõ cách xác định kết quả của trận đấu nếu người chơi không hoàn thành trận đấu đó trong thời gian quy định, như là truất quyền thi đấu cả hai người chơi hoặc cho một trong hai người chơi đó được vào vòng trong.
  • Hội đồng cũng nên cho phép kéo dài thời gian hoàn thành trận đấu cho các trận đấu hòa nếu có lý do hợp lý. Nếu quyết định làm thế, Hội đồng nên làm rõ các quy định về việc kéo dài đó.
Trong đấu đối kháng, Hội đồng sẽ xếp nhóm hoặc quy định cách người chơi tự xếp nhóm với nhau. Tốt nhất là mỗi trận đấu có giờ xuất phát riêng, nhưng đôi khi hai trận đấu cá nhân có thể được xếp vào chung một nhóm đấu.
(3)
Người ghi điểm
Trong đấu gậy, người chơi hoặc phe luôn cần phải có một người khác (không phải chính người chơi đó hoặc một thành viên của phe) ghi điểm cho họ. Hội đồng có thể quy định hoặc hạn chế ai có thể là người ghi điểm của người chơi bằng việc nêu rõ là người ghi điểm phải là một người chơi trong cùng giải đấu và nhóm đấu, người chơi có điểm chấp, hoặc một cách khác. Trong thể thức thi đấu có nhiều đồng đội thi đấu cùng phe (ví dụ như ở các giải đấu Foursomes hoặc Four-Ball), họ không được làm người ghi điểm của phe của họ. Khi số lượng các phe của một giải đấu không phải là số chẵn, Hội đồng có thể phải tự tìm một người ghi điểm cho một phe hoặc xếp một nhóm đấu có ba phe.
(4)
Địa điểm xuất phát
Hội đồng có thể quy định một khu vực đặc biệt ở hoặc gần khu vực phát bóng là nơi mà người chơi phải có mặt và sẵn sàng chơi vào thời điểm xuất phát (xem Luật 5.3a). Có thể quy định khu vực này bằng vạch kẻ sơn trên mặt đất, dây thừng hoặc cách khác.
H

Quy định tốc độ chơi

Hội đồng có thể áp dụng một Luật địa phương về Quy định tốc độ chơi (xem Luật 5.6a). Trong thực tế, tính chất của quy định này sẽ phụ thuộc vào số lượng thành viên Hội đồng có sẵn để triển khai nó (xem Phần 8K). Quy định tốc độ chơi có thể bao gồm:
  • Thời gian tối đa để hoàn thành một vòng đấu, một hố, một vài hố và/hoặc một cú đánh.
  • Định nghĩa “chơi chậm” của nhóm đầu tiên và các nhóm tiếp theo trong tương quan với nhóm phía trước.
  • Khi nào và bằng cách nào một nhóm hoặc người chơi có thể bị bấm giờ.
  • Nếu và khi nào người chơi có thể bị cảnh cáo là họ đang bị bấm giờ hoặc đã chậm giờ.
  • Cách xử phạt khi có vi phạm quy định này.
Hội đồng có trách nhiệm đảm bảo là giải đấu được diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Định nghĩa tốc độ nhanh chóng có thể khác nhau tùy vào sân, số lượng đăng ký và số người chơi trong một nhóm đấu. Để làm điều này:
  • Hội đồng nên áp dụng một Luật địa phương về Quy định tốc độ chơi (xem Luật 5.6a).
  • Quy định đó nên có thời gian tối đa để hoàn thành vòng đấu hoặc một phần của vòng đấu.
  • Quy định nên có hình phạt khi người chơi không tuân thủ.
  • Hội đồng nên hiểu rõ những việc họ có thể làm để tác động đến tốc độ chơi. Bao gồm:
    • Cách điều hành, vận hành như giảm quy mô của nhóm, tăng thời gian xuất phát giữa các nhóm, có thời gian chờ và áp dụng quy trình call-up nếu có chậm trễ ở các hố par-3 dài, các hố par-4 ngắn (mà có thể phát bóng lên green) hoặc hố par-5 ngắn (mà có thể đánh 2 on).
    • Xem xét các thay đổi cơ bản về sân golf như là fairway rộng hơn, giảm chiều cao và diện tích của khu cỏ cao, giảm tốc độ khu vực gạt bóng. Khi thực hiện các thay đổi này, Hội đồng nên tham khảo luật hoặc các hướng dẫn của Hệ thống handicap thế giới (World handicap system) hoặc các hướng dẫn khác từ cơ quan quản lý handicap địa phương nhằm xác định nếu các thay đổi đó có ảnh hưởng đến độ khó của sân (Course Rating) và tuân thủ các quy trình điều chỉnh cần thiết.
I

Quy tắc ứng xử

Hội đồng có thể đặt ra các tiêu chuẩn riêng về cách ứng xử của người chơi thông qua một Luật địa phương về Quy tắc ứng xử (xem Luật 1.2b). Mục đích của quy tắc này là đưa ra các tiêu chuẩn về ứng xử mà Hội đồng mong đợi từ người chơi và các hình phạt khi có vi phạm. Tuy nhiên, đối với các hành động mà người chơi có thể hoặc không thể thực hiện khi đang chơi golf được quy định bởi Luật golf, Hội đồng không có quyền thay đổi chúng thông qua việc áp dụng hình phạt theo một cách khác ở bộ Quy tắc ứng xử. Nếu chưa có bộ Quy tắc ứng xử, Hội đồng sẽ bị hạn chế trong việc xử phạt người chơi có các hành xử không đúng mực theo Luật 1.2a. Hình phạt duy nhất đối với các hành động đi ngược tinh thần thể thao ở điều luật nói trên là truất quyền thi đấu (xem Phần 5I(5) để biết thêm thông tin).
(1)
Xây dựng bộ quy tắc ứng xử
Khi xây dựng bộ quy tắc ứng xử, Hội đồng nên lưu ý các điểm sau:
  • Khi thiết lập các giới hạn hoặc điều cấm đối với hành động của người chơi, Hội đồng nên lưu ý các khác biệt về văn hóa của người chơi. Ví dụ: một số hành xử có thể được xem là không đúng mực ở một nền văn hóa có thể sẽ được chấp nhận ở một nền văn hóa khác.
  • Hình phạt khi có vi phạm (xem ví dụ ở Phần 5I(4)).
  • Ai có quyền quyết định hình phạt và hình thức kỷ luật. Ví dụ: có thể chỉ một số thành viên Hội đồng có quyền áp dụng các hình phạt, cần một số lượng tối thiểu các thành viên Hội đồng khi ra quyết định xử phạt hoặc bất kỳ thành viên nào của Hội đồng cũng có thể ra quyết định như thế.
  • Có thủ tục kháng cáo hay không.
(2)
Cách quy định hợp lệ và không hợp lệ của quy tắc ứng xử
a. Được phép/ Hợp lệ Hội đồng có thể đưa vào bộ Quy tắc ứng xử các điểm sau:
  • Thông tin chi tiết về các hành vi không đúng mực mà người chơi có thể bị phạt trong vòng đấu:
    • Không chăm sóc sân, như là không cào cát trong bẫy cát hoặc không lấp vết đánh bóng (divot).
    • Có ngôn ngữ thô lỗ, tục tĩu.
    • Lạm dụng gậy trên sân.
    • Thể hiện sự thiếu tôn trọng người chơi khác, trọng tài hoặc khán giả.
  • Cấm người chơi đi vào tất cả hoặc một vài khu vực không được phép đánh.
  • Hạn chế sử dụng mạng xã hội.
  • Chi tiết về các trang phục được chấp nhận.
b. Không được phép/ Không hợp lệ Hội đồng không thể sử dụng bộ quy tắc ứng xử để:
  • Thay đổi các hình phạt có sẵn của Luật golf, như là tăng mức xử phạt đối với người chơi không đánh dấu bóng của họ trước khi nhấc nó trên khu vực gạt bóng, từ một gậy phạt lên hai gậy phạt.
  • Đưa ra các hình phạt mới cho các hành động không liên quan đến hành xử của người chơi, ví dụ: Hội đồng không thể sử dụng quy tắc ứng xử để đưa ra một Luật địa phương trái phép, như là xử phạt người chơi đánh bóng qua một kiến trúc ở ngoài biên, hoặc xử phạt người chơi không thông báo cho bạn chơi là họ sẽ nhấc bóng để xác định nó.
  • Xử phạt gậy đối với người chơi có hành xử không đúng mực trước hoặc giữa các vòng đấu. Nhưng Hội đồng có thể áp dụng hình thức kỷ luật khác như là rút người chơi khỏi giải đấu đó hoặc từ chối cho người chơi được tham gia các giải đấu trong tương lai.
  • Xử phạt người chơi theo bộ quy tắc ứng xử khi có vi phạm của khán giả (gia đình hoặc ủng hộ viên của người chơi), như là xử phạt người chơi khi một thành viên trong gia đình của họ đi bộ trên fairway khi không được phép ở một giải trẻ.
(3)
Xác định hình phạt khi vi phạm bộ quy tắc
Khi xác định hình thức kỷ luật và hình phạt, Hội đồng nên lưu ý:
  • Nếu có quy trình cảnh cáo trước khi áp dụng hình phạt hoặc hình thức kỷ luật.
  • Nếu hình thức kỷ luật có bao gồm gậy phạt hay không hoặc sẽ là một hình phạt khác theo luật.  Hội đồng có thể áp dụng các hình thức kỷ luật như từ chối cho người chơi được tham gia một hoặc nhiều giải đấu trong tương lai của Hội đồng hoặc yêu cầu người chơi chỉ được thi đấu ở một thời gian nào đó trong ngày. Các hình thức kỷ luật này khác với các hình phạt trong luật golf nên Hội đồng có toàn quyền viết và minh giải các hình thức kỷ luật đó.
  • Nếu hình phạt cho mỗi vi phạm là một gậy phạt hoặc hình phạt chung và nếu hình phạt sẽ được tăng lên, như là một gậy phạt cho vi phạm đầu tiên và hình phạt chung cho vi phạm thứ hai. Hội đồng không nên sử dụng cách xử phạt khác đối với điểm số của người chơi.
  • Khi có vi phạm, hình phạt sẽ tự động áp dụng cho ngươi chơi hoặc phải do Hội đồng ra quyết định.
  • Khi bộ quy tắc ứng xử quy định hình phạt sẽ được tăng lên đối với vi phạm nhiều lần, nếu vi phạm sẽ được cộng dồn vào các vòng đấu sau đó trong giải đấu gồm nhiều vòng đấu. Ví dụ: trong giải đấu có 36 hố, vi phạm đầu tiên dẫn đến việc cảnh cáo và vi phạm thứ hai dẫn đến một gậy phạt, Hội đồng có thể quy định là các vi phạm ở vòng 1 sẽ được cộng dồn vào vòng 2.
  • Nếu vi phạm các quy định khác nhau của bộ quy tắc sẽ dẫn đến hình phạt khác nhau.
  • Nếu bộ Quy tắc ứng xử cũng được áp dụng cho caddie của người chơi. Bộ Quy tắc ứng xử sẽ được áp dụng cho caddie của người chơi theo Luật 10.3c một cách tự động, do đó, nếu Hội đồng không muốn áp dụng một vài điểm của bộ Quy tắc ứng xử cho caddie của người chơi, cần nêu rõ trong bộ Quy tắc ứng xử đó.
(4)
Cách xử phạt mẫu của bộ quy tắc ứng xử
Sau đây là ví dụ về cách mà Hội đồng có thể xử phạt các vi phạm bộ quy tắc ứng xử trong Luật địa phương. Hội đồng có thể quyết định áp dụng hình phạt mà không có cảnh cáo hoặc kỷ luật đối với vi phạm đầu tiên, hoặc có thể áp dụng hình phạt khác nhau cho mỗi vi phạm trong bộ quy tắc ứng xử. Ví dụ: một số vi phạm có thể bị phạt một gậy, trong khi một số vi phạm khác có thể bị phạt hình phạt chung. Hình phạt mẫu 1
  • Vi phạm đầu tiên – Cảnh cáo hoặc kỷ luật từ Hội đồng.
  • Vi phạm thứ hai – Một gậy phạt.
  • Vi phạm thứ ba – Hình phạt chung.
  • Vi phạm thứ tư hoặc vi phạm nghiêm trọng – Truất quyền thi đấu.
Hình phạt mẫu 2
  • Vi phạm đầu tiên – Một gậy phạt.
  • Vi phạm thứ hai – Hình phạt chung.
  • Vi phạm thứ ba hoặc vi phạm nghiêm trọng – Truất quyền thi đấu.
Nếu vi phạm diễn ra giữa hai hố, hình phạt sẽ được áp dụng ở hố sau.
(5)
Tinh thần thể thao và vi phạm nghiêm trọng về ứng xử
Theo Luật 1.2a, Hội đồng có thể truất quyền thi đấu người chơi có vi phạm nghiêm trọng về ứng xử, đi ngược tinh thần thể thao, cho dù bộ quy tắc ứng xử có được áp dụng cho giải đấu đó hay không. Khi quyết định là người chơi có vi phạm nghiêm trọng về ứng xử hay không, Hội đồng nên xem xét là hành xử của người chơi có đi quá xa so với các hành xử thông thường trong môn golf, theo đó tương ứng với hình phạt cao nhất: truất quyền thi đấu. Xem ví dụ về các hành động dẫn đến truất quyền thi đấu theo Luật 1.2aGiải thích luật 1.2a/1.
J

Thông tin cho người chơi và trọng tài

(1)
Luật địa phương
Hội đồng nên đảm bảo là người chơi có thể tiếp cận Luật địa phương bằng các tài liệu phát tay trên khu vực phát bóng đầu tiên (thường được gọi là “Thông báo cho người chơi”), bảng điểm, bảng thông báo hoặc một phương pháp thông tin điện tử khác. Các đơn vị tổ chức hệ thống gồm nhiều giải đấu thường tạo ra một tài liệu gồm tất cả các Luật địa phương mà họ thường sử dụng ở tất cả các giải đấu của họ. Trong quá khứ, tài liệu này thường được in trên giấy cứng nên còn được gọi là “Hard Card”. Nếu người chơi được yêu cầu đánh bóng có trên Danh sách bóng hợp chuẩn (xem Luật địa phương mẫu G-3) hoặc sử dụng gậy có trên Danh sách đầu gậy driver hợp chuẩn (xem Luật địa phương mẫu G-1) hoặc thỏa yêu cầu về thông số kỹ thuật của rãnh và chấm đục trên mặt gậy (xem Luật địa phương mẫu G-2), Hội đồng nên tạo điều kiện để người chơi tiếp cận các danh sách này (tài liệu giấy hoặc cơ sở dữ liệu trên mạng).
(2)
Xếp nhóm
Bảng xếp nhóm của vòng đấu cùng với giờ xuất phát nên được thông báo ở nơi mà người chơi có thể kiểm tra chúng. Mặc dù người chơi thường được gởi thông tin về giờ xuất phát và nhóm đấu bằng phương thức điện tử, các thông tin này cũng nên được cung cấp ở sân golf để người chơi có thể xác nhận lại giờ xuất phát của họ.
(3)
Bảng vị trí cờ
Hội đồng có thể cung cấp cho người chơi một tờ giấy nhỏ chứa vị trí cờ trên khu vực gạt bóng. Nội dung có thể là các vòng tròn với khoảng cách đến phía trước khu vực gạt bóng và mép gần nhất ở một bên, các con số, hoặc bản vẽ chi tiết hơn của khu vực gạt bóng và khu vực xung quanh nó cùng với vị trí cờ.
(4)
Bảng điểm bao gồm độ khó các hố
Hội đồng có trách nhiệm thông báo thứ tự các hố và độ khó của chúng (hố mà sẽ được nhận hoặc chấp gậy) trên bảng điểm hoặc ở nơi khác mà mọi người có thể thấy được. Việc phân bố độ khó này sẽ được sử dụng trong các trận đấu đối kháng có tính điểm chấp và trong các thể thức đấu gậy tính điểm net như Four-Ball, Stableford, Số gậy tối đa (với số gậy tối đa liên quan đến điểm net của người chơi). Đối với các hướng dẫn về việc xác định độ khó của hố, tham khảo luật hoặc các gợi ý trong Luật về handicap và các tài liệu của Hệ thống handicap thế giới (World handicap system) hoặc các hướng dẫn khác của cơ quan quản lý handicap địa phương. Đấu đối kháng – Trong một trận đấu đối kháng có tính điểm chấp, Hội đồng nên làm rõ các điểm sau trong Điều lệ thi đấu:
  • Nếu hệ số điều chỉnh điểm chấp sẽ được sử dụng và hệ số là gì.
  • Phân bố độ khó của hố để xác định các hố mà người chơi sẽ nhận hoặc chấp gậy.
Khi mà Hội đồng đã cho phép trận đấu bắt đầu ở hố khác với hố số 1, Hội đồng có thể thay đổi bảng phân bố độ khó của các hố cho trận đấu đó. Đấu gậy – Trong giải đấu tính điểm net, Hội đồng nên xác định hệ số điều chỉnh điểm chấp theo luật hoặc các gợi ý trong Luật về handicap và các tài liệu của Hệ thống handicap thế giới (World handicap system) hoặc các hướng dẫn khác của cơ quan quản lý handicap địa phương.
(5)
Quy định tốc độ chơi và Quy tắc ứng xử
Quy định tốc độ chơi và Quy tắc ứng xử nên được phổ biến đến người chơi trước khi giải đấu bắt đầu. Khi người chơi chưa quen thuộc với những quy định, quy tắc này, Hội đồng có thể giải thích chúng với người chơi trước khi giải đấu diễn ra. Trọng tài và những người thực thi các quy định, quy tắc này nên được đào tạo và được trang bị các tài liệu khác, như là bảng thời gian hoặc ngôn ngữ mà họ nên thông báo cho người chơi khi cần cảnh cáo hoặc khi có khả năng vi phạm.
(6)
Kế hoạch sơ tán
Hội đồng nên xem xét phương án sơ tán người chơi trong trường hợp thời tiết xấu hoặc một tình huống khẩn cấp khác. Nếu cần thiết, có thể soạn kế hoạch sơ tán và cung cấp nó cho người chơi.
(7)
Hướng dẫn và giải thích các phương pháp tốt nhất để giúp ngăn ngừa “backstopping”
“Backstopping” là thuật ngữ thông dụng được sử dụng để chỉ tình huống sau trong đấu gậy: Người chơi, chưa có sự đồng ý của những người chơi khác, để bóng của họ ở gần hố cờ trên khu vực gạt bóng, ở vị trí có thể mang lại lợi thế cho một người chơi khác sắp đánh bóng từ ngoài khu vực gạt bóng nếu bóng của họ chạm vào bóng đang nằm yên đó. Do không có sự thỏa thuận để bóng lại tại chỗ để hỗ trợ bất kỳ ai, không ai vi phạm luật (xem Luật 15.3a). Tuy nhiên, The R&A và USGA cho rằng “backstopping” không tính đến những người chơi khác trong giải đấu đó và có khả năng mang đến cho người chơi có “backdrop” đó lợi thế hơn so với những người chơi khác. Do đó, Hội đồng có thể cung cấp các hướng dẫn và giải thích sau cho người chơi để giúp ngăn ngừa “backstopping”:
  • Trong đấu gậy, giải đấu bao gồm tất cả người chơi, và do mỗi người chơi trong giải đấu đó không thể có mặt để bảo vệ quyền lợi cá nhân của họ, việc bảo vệ tất cả người chơi là một trách nhiệm quan trọng mà tất cả người chơi trong giải đấu đó cùng chia sẻ.
  • Do đó, trong đấu gậy, nếu có khả năng hợp lý là bóng của một người chơi ở gần hố cờ có thể giúp một người chơi khác đang chuẩn bị đánh từ bên ngoài khu vực gạt bóng, cả hai người chơi đó nên đảm bảo là người chơi có bóng ở gần hố cờ nhấc bóng đó lên trước khi người chơi còn lại đánh.
  • Nếu tất cả người chơi tuân thủ hướng dẫn này, việc bảo vệ quyền lợi của tất cả mọi người chơi trong giải đấu sẽ được đảm bảo.
XEM THÊM
Phần 1Vai trò của Hội đồng
Luật golf định nghĩa Hội đồng là người hoặc nhóm người chịu trách nhiệm về một giải đấu hoặc sân. Hội đồng rất quan trọng trong môn golf. Hội đồng có trách nhiệm điều hành một giải đấu hoặc cuộc chơi hàng ngày ở sân golf và luôn tuân thủ tinh thần của luật golf. Phần này của Hướng dẫn luật golf chính thức sẽ cung cấp các hướng dẫn cho Hội đồng nhằm thực hiện các công tác nói trên. Các nhiệm vụ của Hội đồng có thể gói gọn trong một giải đấu nào đó hoặc cho cuộc chơi hàng ngày ở sân golf.
Đọc phần