In phần này
1
Môn thể thao golf, cách ứng xử của người chơi và luật golf
Mục đích của luật: Luật 1 giới thiệu cho người chơi các nguyên tắc chính của môn golf như sau:
  • Sân thế nào thì chơi thế đó và bóng nằm thế nào thì đánh thế đấy.
  • Chơi đúng luật và đúng tinh thần thể thao.
  • Bạn chịu trách nhiệm áp dụng hình phạt cho bản thân bạn nếu bạn vi phạm luật, để bạn không tạo lợi thế so với đối thủ của bạn trong đấu đối kháng hoặc người chơi khác trong đấu gậy.
1
Môn thể thao golf, cách ứng xử của người chơi và luật golf
1.2

Tiêu chuẩn ứng xử của người chơi

1.2a/1
Xác định nếu người chơi đã có vi phạm nghiêm trọng trong ứng xử
Khi xác định là người chơi đã có vi phạm nghiêm trọng trong ứng xử hay không, Hội đồng phải xem xét tất cả các yếu tố khác nhau. Cho dù vi phạm được xác định là nghiêm trọng, thay vì truất quyền thi đấu, Hội đồng có thể chỉ cảnh cáo người chơi và thông báo cho họ rằng việc lặp lại các vi phạm tương tự sẽ dẫn đến hình phạt truất quyền thi đấu. Ví dụ của các hành động của người chơi mà thường được xem là vi phạm nghiêm trọng trong ứng xử:
  • Cố tình gây hư hỏng cho một khu vực gạt bóng.
  • Không đồng ý với cách thiết lập kĩ thuật sân, theo đó tự ý dời các tee-markers hoặc cọc ranh giới sân (cọc OB).
  • Gây nguy hiểm cho người khác, như là ném gậy vào một người chơi khác hoặc một khán giả.
  • Cố tình làm phiền người chơi khác khi họ đang thực hiện cú đánh.
  • Loại bỏ vật thể tự nhiên rời hoặc vật cản di dời được để gây bất lợi cho một người chơi khác sau khi người chơi đó đã yêu cầu để nó lại tại chỗ.
  • Nhiều lần từ chối nhấc bóng đang nằm yên khi bóng đó đang gây ảnh hưởng đến một người chơi khác trong đấu gậy.
  • Cố tình đánh bóng về hướng khác (không phải về hướng hố cờ) rồi mới đánh về hướng hố cờ để hỗ trợ đồng đội (như là để giúp chỉ hướng đánh cho đồng đội trên khu vực gạt bóng).
  • Cố tình chơi không đúng luật, qua đó có khả năng mang lại lợi thế lớn cho bản thân, cho dù biết là sẽ bị phạt.
  • Sử dụng từ ngữ tục tĩu, công kích người khác một cách lặp đi lặp lại.
  • Sử dụng điểm chấp (handicap) không chính xác, được tạo ra chỉ để mang lại lợi thế không công bằng cho người chơi hoặc sử dụng vòng đấu đang diễn ra cho mục đích tạo ra điểm chấp như thế.
  • Từ chối xác định bóng khi một bóng vừa được tìm thấy có thể là bóng của người chơi.
Ví dụ của các hành động của người chơi, cho dù có vi phạm, thường không được xem là vi phạm nghiêm trọng trong ứng xử:
  • Đập gậy xuống đất, làm hư gậy và gây hư hỏng nhẹ mặt sân.
  • Ném gậy về phía túi gậy, vô tình trúng vào người khác.
  • Vô ý làm phiền người chơi khác khi họ đang thực hiện cú đánh.
1.3

Chơi đúng luật

1.3b(1)/1
Truất quyền thi đấu người chơi biết nhưng thỏa thuận phớt lờ luật
Nếu nhiều người chơi đồng ý phớt lờ luật hoặc hình phạt mà họ biết có áp dụng, họ sẽ bị truất quyền thi đấu trừ khi thỏa thuận được thực hiện trước vòng đấu và bị hủy trước khi một trong các người chơi này bắt đầu vòng đấu của họ. Ví dụ: trong đấu gậy, hai người chơi thỏa thuận là các cú gạt trong khoảng cách một chiều-dài-gậy-đo kể từ hố cờ được xem như đã vào hố, cho dù họ biết là họ phải kết thúc hố ở tất cả các hố. Ở trên khu vực gạt bóng của hố đầu tiên, một người chơi khác trong nhóm biết về thỏa thuận này. Người chơi đó yêu cầu hai người chơi kia phải kết thúc hố, và hai người chơi kia đã phải kết thúc hố đó. Cho dù cả hai người chơi này chưa thực hiện thỏa thuận nói trên (vẫn kết thúc hố đó), họ vẫn sẽ bị truất quyền thi đấu do đã đồng ý phớt lờ Luật 3.3c (Không kết thúc hố).
1.3b(1)/2
Để được xem là thỏa thuận phớt lờ luật, người chơi phải biết luật có tồn tại
Luật 1.3b(1) không được áp dụng và sẽ không bị phạt nếu những người chơi đồng ý phớt lờ luật không biết hoặc không áp dụng hình phạt mà họ không biết có tồn tại. Ví dụ của việc hai người chơi không biết về luật, hoặc họ đã không áp dụng hình phạt, và do đó không bị truất quyền thi đấu theo Luật 1.3b(1):
  • Trong một trận đấu đối kháng, hai người chơi thỏa thuận trước với nhau là sẽ thừa nhận tất cả các cú gạt bóng từ một khoảng cách nào đó mà không biết là luật không cho phép họ thừa nhận như thế.
  • Trước một trận đấu đối kháng gồm có 36 hố, hai người chơi đồng ý với nhau là họ chỉ chơi 18 hố, ai bị dẫn sau 18 hố đó sẽ thừa nhận trận đấu cho người còn lại, không biết là thỏa thuận này không đúng theo Điều lệ thi đấu. Trận đấu diễn ra theo thỏa thuận đó và người chơi bị dẫn sau 18 hố thừa nhận trận đấu. Do những người chơi không biết là thỏa thuận trên không được cho phép, việc thừa nhận này sẽ được giữ nguyên.
  • Trong một giải đấu gậy, người chơi và bạn chơi, cũng là người ghi điểm của họ, không chắc là khu vực giải thoát khỏi mặt sân đang sửa chữa có kích thước một hoặc hai chiều-dài-gậy-đo. Không biết luật, họ đồng ý với nhau là hai chiều-dài-gậy-đo và người chơi thực hiện giải thoát bằng cách thả bóng ở khoảng cách hai chiều-dài-gậy-đo từ điểm giải thoát hoàn gần nhất. Hội đồng biết về việc này ở các hố sau đó của vòng đấu. Cho dù không người chơi nào bị truất quyền thi đấu theo Luật 1.3b(1) do họ không biết luật, người chơi đã đánh bóng sai vị trí và sẽ nhận phạt theo Luật 14.7 (Đánh bóng sai vị trí). Không bị phạt do vô tình cung cấp thông tin sai về luật.
1.3b/2
Các Giải thích luật có liên quan đến Luật 1.3b(2): Phán đoán hợp lý
  • 9.6/2 – Nơi phải đặt lại bóng khi nó di chuyển từ một vị trí mà người chơi không biết
  • 17.1a/2 – Bóng bị mất trong khu vực phạt hoặc điều kiện sân bất thường ở cạnh khu vực phạt
  • 17.1d(3)/2 – Người chơi thả bóng dựa trên ước lượng nơi bóng cắt ranh giới khu vực phạt lần cuối, sau đó phát hiện điểm ước lượng nói trên không chính xác
1.3c/1
Người chơi không bị truất quyền thi đấu khỏi giải đấu nếu vòng đấu mà họ bị truất quyền thi đấu không được tính
Ở các giải đấu mà không phải tất cả các vòng đấu được tính, người chơi không bị truất quyền thi đấu khỏi giải đấu đó nếu họ bị truất quyền thi đấu ở một vòng đấu. Ví dụ: ở giải đấu đồng đội, mỗi đội có bốn người chơi, theo đó chỉ ba bảng điểm tốt nhất của mỗi đội ở mỗi vòng đấu được tính cho đội ở vòng đấu đó, một người chơi bị truất quyền thi đấu ở vòng đấu thứ hai do không sửa lỗi đánh bóng sai. Điểm số của người chơi này sẽ không được tính vào điểm của đội ở vòng đấu thứ hai đó, nhưng bảng điểm của người chơi này sẽ vẫn được tính vào điểm của đội ở các vòng đấu khác của giải đấu đó.
1.3c/2
Áp dụng hình phạt truất quyền thi đấu, thừa nhận và báo sai số gậy trong vòng play-off của giải đấu gậy
Trong vòng play-off của một giải đấu gậy, luật được áp dụng như sau:
  • Nếu người chơi bị truất quyền thi đấu (như do thực hiện cú đánh với gậy không hợp chuẩn), người chơi chỉ bị truất quyền thi đấu khỏi vòng play-off đó và vẫn có thể nhận các giải mà họ đã thắng trong giải đấu đó (trước vòng play-off).
  • Nếu có hai người chơi thi đấu play-off, một người trong số họ có thể thừa nhận vòng play-off đó cho người chơi còn lại.
  • Nếu người chơi A do nhầm lẫn báo sai số gậy cho người chơi B, làm cho người chơi B nhấc bóng của họ (như khi người chơi B nghĩ là họ đã thua vòng play-off đó), người chơi B được phép đặt lại bóng mà không bị phạt và kết thúc hố đó. Người chơi A không bị phạt.
1.3c(1)/1
Hành động cho người chơi của một người chơi khác vi phạm luật
Người chơi chịu trách nhiệm khi hành động của một người chơi khác vi phạm luật nếu nó được thực hiện theo yêu cầu của người chơi hoặc nếu người chơi thấy hành động đó nhưng vẫn cho phép việc đó xảy ra. Các ví dụ khi mà người chơi nhận phạt do họ đã yêu cầu hoặc cho phép hành động là:
  • Người chơi nhờ một khán giả dời một vật thể tự nhiên rời ở gần bóng. Nếu bóng đó di chuyển, người chơi sẽ nhận một gậy phạt theo Luật 9.4b (Hình phạt cho việc nhấc, cố tình chạm bóng hoặc làm bóng di chuyển) và bóng đó phải được đặt lại.
  • Một người chơi đang tìm bóng của họ trong khu cỏ cao. Một khán giả tìm thấy bóng đó và đè cỏ xung quanh bóng, cải thiện điều kiện ảnh hưởng đến cú đánh. Nếu người chơi thấy việc đó sắp diễn ra mà không có hành động hợp lý để dừng người khán giả đó, người chơi sẽ nhận hình phạt chung do vi phạm Luật 8.1a (Các hành động của người chơi làm cải thiện điều kiện ảnh hưởng đến cú đánh).
1.3c(4)/1
Người chơi nhận hai hình phạt, với một gậy phạt cho mỗi hình phạt khi có một hành động can thiệp
Nếu người chơi vi phạm luật kèm một gậy phạt, được báo về vi phạm đó rồi tiếp tục vi phạm chính luật đó hoặc một luật khác mà cũng kèm theo một gậy phạt, cho dù hai hình phạt này có liên quan với nhau, người chơi sẽ nhận hai hình phạt với tổng cộng hai gậy phạt. Ví dụ: người chơi nhấc bóng của họ để xác định trong khu vực chung mà không đánh dấu nó. Một người chơi khác nói với người chơi rằng họ đã vi phạm Luật 7.3 kèm một gậy phạt. Trước khi đặt lại bóng, người chơi làm sạch bóng hơn mức cần thiết để xác định nó, tiếp tục vi phạm Luật 7.3. Việc người chơi được báo về vi phạm đầu tiên là một hành động can thiệp và do đó người chơi cũng nhận một gậy cho việc làm sạch bóng, nghĩa là người chơi sẽ nhận tổng cộng hai gậy phạt. (Mới)
1.3c(4)/2
Người chơi vi phạm luật rồi vi phạm một luật khác khi thực hiện cú đánh tiếp theo của họ
Nếu người chơi vi phạm luật mà không biết về vi phạm đó rồi vi phạm chính luật đó hoặc một luật khác khi đánh bóng, người chơi chỉ nhận một gậy phạt. Ví dụ: trong đấu gậy, người chơi thực hiện giải thoát khỏi một vật cản cố định gần khu vực gạt bóng nhưng do nhầm lẫn đã thả bóng sai vị trí. Trước khi đánh bóng, người chơi loại bỏ cát trong khu vực chung trên hướng đánh của họ, vi phạm Luật 8.1a rồi thực hiện cú đánh đó sai vị trí. Do không có hành động can thiệp giữa việc loại bỏ cát và đánh bóng sai vị trí, người chơi chỉ nhận một hình phạt chung (hai gậy phạt). (Mới)
XEM THÊM