In phần này
20
Giải quyết các vấn đề luật trong vòng đấu; Xử lý luật bởi trọng tài và Hội đồng
Mục đích của luật: Luật 20 quy định việc người chơi nên làm gì khi có câu hỏi về luật trong một vòng đấu, bao gồm các quy trình (khác nhau trong đấu đối kháng và đấu gậy) cho phép người chơi khi bảo vệ quyền lợi được xử lý luật ở một thời điểm sau đó. Luật này cũng quy định vai trò của trọng tài, là người được phép quyết định các tình huống thực tế và áp dụng luật. Các quyết định xử lý luật của trọng tài hoặc Hội đồng có tính ràng buộc đối với tất cả người chơi.
20
Giải quyết các vấn đề luật trong vòng đấu; Xử lý luật bởi trọng tài và Hội đồng
20.1

Giải quyết các vấn đề luật trong vòng đấu

20.1b(2)/1
Phải yêu cầu xử lý luật đúng hạn
Người chơi có quyền biết kết quả trận đấu của họ ở bất kỳ thời điểm nào hoặc biết nếu có yêu cầu xử lý luật sẽ được giải quyết ở thời điểm sau đó. Yêu cầu xử lý luật phải được thực hiện đúng hạn để tránh việc người chơi áp dụng hình phạt ở thời điểm sau đó trong trận đấu đó. Việc có được xử lý luật hay không phụ thuộc vào thời điểm người chơi biết về tình huống (không phải là khi họ biết rằng sẽ có hình phạt) và vào thời điểm yêu cầu xử lý luật. Ví dụ: ở hố đầu tiên của một trận đấu mà không có trọng tài, người chơi A nhấc bóng của họ để kiểm tra theo Luật 4.2c(1), xác định là nó đã bị cắt và thay thế một bóng khác theo Luật 4.2c(2). Trong khi A không biết, B đã kiểm tra bóng gốc đó và không đồng ý với đánh giá của A (là bóng đã bị cắt). Tuy nhiên, B quyết định bỏ qua việc (có thể là vi phạm) này và không nói gì với A. Cả hai kết thúc hố đó và phát bóng từ khu vực phát bóng tiếp theo. Khi kết thúc hố cuối cùng, A là người chiến thắng trong trận đấu đó với kết quả 1 up. Khi đang đi ra khỏi khu vực gạt bóng của hố cuối cùng, nơi có mặt Hội đồng, B thay đổi ý định và báo với A là B không đồng ý với việc thay thế bóng mà A đã thực hiện ở hố đầu tiên và yêu cầu Hội đồng xử lý tình huống đó. Hội đồng nên xác định là yêu cầu xử lý luật của B không được thực hiện đúng hạn do B đã biết về tình huống đó khi đang chơi hố đầu tiên, và đã có cú đánh được thực hiện ở hố thứ hai (Luật 20.1b(2)). Do đó, Hội đồng nên quyết định là sẽ không xử lý tình huống đó. Kết quả trận đấu được giữ nguyên với A là người chiến thắng.
20.1b(2)/2
Việc xử lý luật sau khi kết thúc hố cuối cùng của trận đấu, nhưng trước khi kết quả trận đấu đó là cuối cùng, có thể dẫn đến việc người chơi quay lại sân và tiếp tục lại trận đấu đó
Nếu người chơi biết là đối thủ có khả năng vi phạm luật sau khi kết thúc hố mà họ nghĩ là hố cuối cùng, người chơi có thể yêu cầu xử lý luật. Nếu đối thủ đã vi phạm luật và kết quả trận đấu được điều chỉnh tương ứng, người chơi có thể phải quay lại sân để tiếp tục trận đấu đó. Ví dụ:
  • Trong trận đấu giữa người chơi A và B, B thắng 5&4. Trên đường quay về nhà câu lạc bộ và trước khi kết quả trận đấu là cuối cùng, B được phát hiện có 15 gậy trong túi. A yêu cầu xử lý luật và Hội đồng xác định yêu cầu đó của A là đúng hạn. Hai người chơi phải quay lại hố 15 để tiếp tục trận đấu đó. Kết quả của trận đấu được điều chỉnh bằng cách trừ hai hố cho B (Luật 4.1b(4)), theo đó bây giờ B dẫn 3 up và còn bốn hố nữa.
  • Trong trận đấu giữa người chơi A và B, B thắng 3&2. Trên đường quay về nhà câu lạc bộ, A phát hiện là B đã đánh vào cát khi thực hiện cú swing nháp trong một bẫy cát ở hố 14. B đã thắng hố 14 đó. A yêu cầu xử lý, và Hội đồng xác định yêu cầu đó của A là đúng hạn, theo đó B thua hố 14 do không báo với A về hình phạt (Luật 3.2d(2)). Hai người chơi phải quay lại hố 17 để tiếp tục trận đấu đó. Kết quả của trận đấu được điều chỉnh với B thua hố 14 (từ thắng trước đó). Theo đó, B còn dẫn 1 up và còn hai hố nữa.
20.1b(4)/1
Không được phép đánh hai bóng trong đấu đối kháng
Việc đánh hai bóng chỉ được cho phép ở thể thức đấu gậy do trong khi một trận đấu đối kháng đang diễn ra, các tình huống trong trận đấu đó chỉ có liên quan đến những người chơi trong trận đấu đó và những người chơi có thể tự bảo vệ quyền lợi của họ. Tuy nhiên, nếu một người chơi trong một trận đấu đối kháng không chắc chắn về quy trình đúng và kết thúc hố đó với hai bóng, kết quả với bóng gốc luôn được tính nếu người chơi và đối thủ đưa tình huống đó lên Hội đồngđối thủ không phản đối việc đánh hai bóng của người chơi. Tuy nhiên, nếu đối thủ phản đối việc đánh hai bóng của người chơi và yêu cầu xử lý luật đúng hạn (Luật 20.1b(2)), người chơi thua hố đó do đã đánh bóng sai, vi phạm Luật 6.3c(1).
20.1c(3)/1
Không bị phạt khi đánh bóng không ở trong cuộc khi đang đánh hai bóng
Trong đấu gậy, khi người chơi không chắc chắn phải làm gì và quyết định đánh hai bóng, họ sẽ không bị phạt nếu một trong hai bóng đó là bóng gốc của họ mà đã không còn là bóng trong cuộc nữa. Ví dụ: bóng của người chơi không được tìm thấy trong một khu vực phạt sau ba-phút, do đó người chơi thực hiện giải thoát khỏi khu vực phạt đó theo Luật 17.1c và đánh một bóng khác. Sau đó bóng gốc được tìm thấy trong khu vực phạt đó. Không chắc là phải làm gì, người chơi quyết định đánh bóng gốc đó như là bóng thứ hai trước khi thực hiện bất kỳ cú đánh nào khác, và chọn tính điểm với bóng gốc đó. Người chơi kết thúc hố với cả hai bóng. Bóng được đánh theo Luật 17.1c trở thành bóng trong cuộc của người chơi và kết quả với bóng đó sẽ là kết quả hố đó của người chơi. Kết quả với bóng gốc của người chơi không được tính do bóng gốc đó không còn trong cuộc nữa. Tuy nhiên, người chơi không bị phạt do đã đánh bóng gốc đó như là bóng thứ hai.
20.1c(3)/2
Người chơi phải quyết định đánh hai bóng trước khi thực hiện một cú đánh khác
Luật 20.1c(3) yêu cầu người chơi quyết định đánh hai bóng trước khi thực hiện cú đánh nhằm đảm bảo là quyết định đánh hai bóng hoặc lựa chọn bóng nào được tính điểm của người chơi không bị ảnh hưởng bởi kết quả của bóng vừa được đánh. Thả bóng không được xem là thực hiện cú đánh. Ví dụ:
  • Bóng của người chơi đến nằm yên trên đường xe điện trong khu vực chung. Khi thực hiện giải thoát, người chơi nhấc bóng, thả nó bên ngoài khu vực giải thoát theo yêu cầu và đánh đi. Người ghi điểm của người chơi chất vấn về việc thả bóng đó và tư vấn là người chơi đã đánh sai vị trí. Không biết phải làm gì, người chơi muốn kết thúc hố đó với hai bóng. Tuy nhiên, đã quá trễ theo Luật 20.1c(3) do cú đánh đã được thực hiện và người chơi phải nhận hình phạt chung do đánh sai vị trí (Luật 14.7). Nếu người chơi tin rằng đó là vi phạm nghiêm trọng do đánh sai vị trí, họ nên đánh một bóng thứ hai theo Luật 14.7 để tránh khả năng bị truất quyền thi đấu. Nếu người ghi điểm của người chơi chất vấn về việc thả bóng của người chơi trước khi người chơi thực hiện cú đánh vào bóng và họ không chắc là phải làm gì, người chơi có thể đã hoàn thành hố đó với hai bóng theo Luật 20.1c(3).
  • Bóng của người chơi ở trong một khu vực phạt cắm cọc đỏ. Một trong các cây cọc này ảnh hưởng đến swing dự kiến của người chơi và người chơi không chắc là họ có được nhổ cọc đó hay không. Người chơi thực hiện cú đánh tiếp theo của họ mà không nhổ cọc. Sau đó, người chơi quyết định đánh bóng thứ hai với cọc được nhổ và sẽ yêu cầu Hội đồng xử lý. Hội đồng nên quyết định là kết quả với bóng gốc là kết quả hố đó của người chơi do tình huống phát sinh khi bóng ở trong khu vực phạt với ảnh hưởng của cọc đỏ, và người chơi phải quyết định đánh hai bóng trước khi thực hiện cú đánh vào bóng gốc.
20.1c(3)/3
Người chơi có thể nhấc bóng gốc và thả, đặt hoặc đặt lại bóng đó khi chơi hai bóng
Luật 20.1c(3) không yêu cầu bóng gốc phải là bóng được đánh từ nơi nó nằm. Thông thường, bóng gốc sẽ được đánh từ nơi nó nằm, và bóng thứ hai được đưa vào trong cuộc theo luật mà người chơi áp dụng. Tuy nhiên, cũng được phép đưa bóng gốc vào trong cuộc theo luật đó. Ví dụ: nếu người chơi không chắc chắn là bóng của họ ở trong một điều kiện sân bất thường hoặc một khu vực phạt, người chơi có thể quyết định đánh hai bóng. Người chơi theo đó thực hiện giải thoát theo Luật 16.1b (Giải thoát khỏi điều kiện sân bất thường) bằng cách nhấc, thả và đánh bóng gốc rồi đặt bóng thứ hai ở nơi bóng gốc nằm trong khu vực nghi vấn kia và đánh nó từ đó. Trong trường hợp này, người chơi không cần phải đánh dấu vị trí của bóng gốc trước khi nhấc nó, mặc dù được khuyến khích làm thế.
20.1c(3)/4
Nghĩa vụ hoàn thành hố với bóng thứ hai của người chơi sau khi thông báo ý định đánh bóng thứ hai và chọn bóng được tính điểm
Sau khi người chơi đã thông báo ý định đánh hai bóng theo Luật 20.1c(3) và đã đưa một bóng vào trong cuộc hoặc thực hiện cú đánh vào một trong hai bóng, người chơi đã bị ràng buộc vào quy định của Luật 20.1c(3). Nếu người chơi không đánh bóng, hoặc không kết thúc hố, với một trong hai bóng và bóng đó là bóng mà Hội đồng quyết định là bóng được tính điểm, người chơi sẽ bị truất quyền thi đấu do không kết thúc hố (Luật 3.3c – Không kết thúc hố). Tuy nhiên, sẽ không bị phạt nếu người chơi không kết thúc hố với bóng không được tính điểm. Ví dụ: bóng của người chơi ở trong một vết bánh xe. Tin rằng khu vực này nên được đánh dấu là mặt sân đang sửa chữa, người chơi quyết định đánh hai bóng và thông báo là họ muốn bóng thứ hai là bóng được tính điểm. Người chơi sau đó đánh bóng gốc từ vết bánh xe đó. Sau khi thấy kết quả của cú đánh đó, người chơi quyết định không đánh bóng thứ hai nữa. Sau khi hoàn thành vòng đấu, tình huống được báo cho Hội đồng. Nếu Hội đồng quyết định dấu bánh xe kia là mặt sân đang sửa chữa, người chơi bị truất quyền thi đấu do không kết thúc hố với bóng thứ hai (Luật 3.3c). Tuy nhiên, nếu Hội đồng quyết định dấu bánh xe kia không phải là mặt sân đang sửa chữa, kết quả với bóng gốc của người chơi được tính và họ không bị phạt do không đánh bóng thứ hai. Kết quả sẽ giống nhau khi người chơi thực hiện một hoặc nhiều cú đánh vào bóng thứ hai nhưng nhấc nó lên trước khi hoàn thành hố đó.
20.1c(3)/5
Phải sử dụng bóng dự phòng là bóng thứ hai khi không chắc chắn
Mặc dù Luật 20.1c(3) quy định bóng thứ hai được đánh theo luật này không giống với bóng dự phòng theo Luật 18.3 (Bóng dự phòng), điều ngược lại là không đúng. Khi quyết định đánh hai bóng sau khi đã đánh một bóng dự phòng và không chắc chắn là bóng gốc ở ngoài biên hoặc bị mất bên ngoài một khu vực phạt, người chơi phải xem bóng dự phòng đó là bóng thứ hai. Ví dụ của việc sử dụng bóng dự phòng là bóng thứ hai:
  • Người chơi không chắc là bóng gốc của họ có ở ngoài biên hay không, nên họ kết thúc hố với bóng gốc và bóng dự phòng.
  • Người chơi biết hoặc gần như chắc chắn là bóng gốc của họ ở trong một điều kiện sân bất thường cho dù không được tìm thấy, nhưng không chắc là phải làm gì, do đó họ hoàn thành hố đó với bóng dự phòng và một thứ hai (giải thoát theo Luật 16.1e).
20.1c(3)/6
Người chơi được phép đánh một bóng theo hai luật khác nhau
Khi người chơi không chắc chắn về quy trình đúng, họ được khuyến khích đánh hai bóng theo Luật 20.1c(3). Tuy nhiên, không có gì ngăn cản người chơi đánh một bóng theo hai luật khác nhau và yêu cầu xử lý luật trước khi nộp bảng điểm. Ví dụ: bóng của người chơi đến nằm yên ở vị trí không đánh được trong một khu vực mà họ tin là mặt sân đang sửa chữa, nhưng không được đánh dấu như thế. Không chắc là phải làm gì và chấp nhận chịu phạt một gậy nếu nó không phải là mặt sân đang sửa chữa, người chơi quyết định sử dụng một bóng, thả nó trong khu vực giải thoát đồng thời thỏa mãn yêu cầu giải thoát của cả mặt sân đang sửa chữa (Luật 16.1b) và bóng không đánh được (Luật 19.2). Nếu Hội đồng quyết định rằng khu vực đó là mặt sân đang sửa chữa, người chơi không bị phạt cho giải thoát bóng không đánh được. Nếu Hội đồng quyết định rằng khu vực đó không phải là mặt sân đang sửa chữa, người chơi nhận một gậy phạt cho giải thoát bóng không đánh được. Nếu người chơi sử dụng quy trình ở trên và bóng đến nằm yên ở nơi có ảnh hưởng bởi điều kiện sân bất thường (phải thả lại theo Luật 16.1 nhưng không phải thả lại theo Luật 19.2), họ nên nhờ Hội đồng hỗ trợ hoặc đánh hai bóng theo Luật 20.1c(3).
XEM THÊM