Bóng nằm thế nào thì đánh thế đấy; Bóng nằm yên bị nhấc hoặc di chuyển
Mục đích của luật: Luật 9 quy định một nguyên tắc chính của môn golf: “bóng nằm thế nào thì đánh thế đấy”.
Nếu bóng của người chơi đến nằm yên rồi bị di chuyển bởi các yếu tố tự nhiên như là gió hoặc nước, người chơi thường phải đánh bóng từ vị trí mới của nó.
Nếu bóng nằm yên bị nhấc hoặc di chuyển bởi bất kỳ người hoặc tác động bên ngoài nào trước khi cú đánh được thực hiện, bóng phải được đặt lại ở vị trí ban đầu của nó.
Người chơi nên cẩn thận khi ở gần bóng đang nằm yên, người chơi làm cho bóng của họ hoặc bóng của đối thủ di chuyển thường sẽ bị phạt (trừ trên khu vực phát bóng).
9
Bóng nằm thế nào thì đánh thế đấy; Bóng nằm yên bị nhấc hoặc di chuyển
Luật 9 được áp dụng cho bóng trong cuộc đang nằm yên trên sân, và được áp dụng cả trong vòng đấu và khi cuộc chơi bị dừng theo Luật 5.7a.
9.2
Xác định nếu bóng đã di chuyển và nguyên nhân làm bóng di chuyển
9.2a/1
Khi nào bóng được tính là đã di chyển
Như đã nêu trong định nghĩa, để “di chuyển”, bóng nằm yên phải rời vị trí ban đầu của nó và đến nằm yên ở một vị trí khác và chuyển động đó có thể nhìn thấy được bằng mắt thường. Để tính là bóng đã di chuyển, phải biết hoặc gần như chắc chắn là bóng đã di chuyển.Ví dụ khi biết hoặc gần như chắc chắn là bóng đã di chuyển:
Người chơi đánh dấu, nhấc và đặt lại bóng của họ trên khu vực gạt bóng. Khi người chơi quay đi, bóng lăn một đoạn ngắn rồi nằm yên. Người chơi không thấy chuyển động đó, nhưng một người chơi khác thấy và báo cho người chơi. Do biết là bóng đã di chyển, người chơi phải đặt lại bóng ở vị trí ban đầu của nó theo Luật 13.1d(2) (Bóng di chuyển do yếu tố tự nhiên).
Ví dụ khi không biết hoặc gần như chắc chắn là bóng đã di chuyển:
Người chơi A và người chơi B đánh cú tiếp cận của họ lên khu vực gạt bóng, nhưng do địa hình của khu vực gạt bóng đó, họ không thể thấy nơi bóng đến nằm yên. Bóng A nằm yên trên khu vực gạt bóng trước, bóng B chạm vào bóng A đang nằm yên và làm bóng A lăn thêm một đoạn xa hố cờ hơn mà cả hai người chơi không biết. Miễn là hai người chơi không biết về việc này trước khi A đánh cú tiếp theo, A không bị phạt do đánh bóng sai vị trí (do bóng của A bị bóng của B làm di chuyển).
9.2a/2
Người chơi chịu trách nhiệm về các hành động làm bóng di chuyển cho dù không biết là bóng đã di chuyển
Như quy định ở Giải thích luật 9.2a/1, người chơi không đánh bóng sai vị trí khi ở thời điểm đánh bóng, họ không biết hoặc gần như chắc chắn là bóng của họ đã bị di chuyển bởi một tác động bên ngoài.Tuy nhiên, khi hành động của người chơi (hoặc caddie hoặc đồng đội của người chơi) làm cho bóng di chuyển, người chơi được xem như đã biết là bóng đã di chuyển và họ chính là nguyên nhân gây ra chuyển động đó. Điều này đúng cho dù ở thời điểm đó, người chơi không biết là hành động của họ đã làm bóng di chuyển và việc không biết đó của người chơi không giúp họ tránh bị phạt.Ví dụ của điều này:
Bóng của người chơi nằm trong khu vực chung và họ loại bỏ một vật thể tự nhiên rời gần bóng, làm bóng di chuyển. Do người chơi không nhìn vào bóng lúc đó, họ không biết là bóng đã di chuyển. Người chơi nhận một gậy phạt theo Luật 15.1b (Bóng di chuyển khi loại bỏ vật thể tự nhiên rời) và phải đặt lại bóng.
Khi người chơi đang nhìn một người chơi khác đánh bóng, caddie hoặc đồng đội của người chơi dời các sợi dây và cọc điều hướng giao thông, làm bóng của người chơi di chuyển. Không bị phạt do làm bóng di chuyển theo Luật 15.2a(1) (Loại bỏ vật cản di dời được) nhưng người chơi phải đặt lại bóng.
Trong cả hai tình huống trên, cho dù người chơi không biết là bóng đã di chuyển, nhưng sau đó nếu biết là bóng đã di chuyển mà người chơi thực hiện cú đánh mà không đặt lại bóng, người chơi nhận hình phạt chung do đánh bóng sai vị trí theo Luật 14.7a (Nơi bóng phải được đánh).Xem Giải thích luật của định nghĩa “Biết hoặc gần như chắc chắn” để biết thêm.
9.2b/1
Xác định nếu hành động của người chơi đã làm bóng di chuyển khi có liên quan đến trang thiết bị
Luật 9.4b# được áp dụng khi biết hoặc gần như chắc chắn là hành động của người chơi đã làm cho bóng của họ di chuyển. Điều này bao gồm khi hành động của người chơi làm cho một vật thể di chuyển bóng của họ. Tuy nhiên, Luật 9.4 không phải lúc nào cũng được áp dụng khi bóng của người chơi đã bị di chuyển mà có liên quan đến trang thiết bị của họ.Ví dụ khi Luật 9.4 được áp dụng do biết hoặc gần như chắc chắn là người chơi là nguyên nhân làm bóng di chuyển bao gồm khi người chơi:
Đặt túi gậy xuống ở nơi dốc, ngay sau đó túi gậy ngã vào bóng và làm nó di chuyển.
Thả một cây gậy xuống và làm cho bóng di chuyển.
Ví dụ khi Luật 9.6 được áp dụng do không biết hoặc như chắc chắn là người chơi là nguyên nhân làm bóng di chuyển bao gồm khi người chơi:
Đặt túi gậy xuống, một lúc lâu sau đó túi gậy ngã vào bóng và làm nó di chuyển.
Để một cái khăn trên túi gậy của họ, sau đó cái khăn bị gió thổi xuống đất và làm bóng di chuyển.
Các nguyên tắc này cũng được áp dụng khi xác định là hành động của đối thủ đã làm bóng của người chơi di chuyển hay không (Luật 9.5). (Mới)
9.3
Bóng bị di chuyển bởi yếu tố tự nhiên
9.3
Bóng bị di chuyển bởi yếu tố tự nhiên
Xem Giải thích luật 13.1d(2)/1 – Phải đặt lại bóng nếu nó di chuyển sau khi đã đặt bóng để thực hiện giải thoát
9.4
Bóng bị nhấc hoặc di chuyển bởi người chơi
9.4a/1
Quy trình khi bóng của người chơi bị làm rơi khỏi cây
Luật 9.4 được áp dụng đối với bất kỳ bóng trong cuộc nào trên sân. Bao gồm khi bóng nằm trên cây. Tuy nhiên, khi người chơi không định đánh bóng từ nơi nó nằm mà chỉ cố xác định nó, hoặc định thu hồi nó để áp dụng luật khác, Ngoại lệ của Luật 9.4b được áp dụng và không bị phạt. Ví dụ:
Khi đang tìm bóng, người chơi thấy một bóng ở trên một cái cây nhưng không thể xác định. Người chơi trèo lên cái cây đó để xác định bóng và vô tình làm bóng rơi khỏi cây. Bóng được xác định là của người chơi. Trong trường hợp này, do bóng được di chuyển một cách vô tình khi đang có các hành động hợp lý để xác định nó, không bị phạt do làm bóng di chuyển (Luật 7.4). Người chơi phải đặt lại bóng hoặc có thể thực hiện giải thoát trực tiếp theo một luật nào đó (như là Luật 19 – Bóng không đánh được). Trong hai trường hợp sau, lựa chọn duy nhất của người chơi là thực hiện giải thoát theo luật:
Người chơi không thể đặt lại bóng do họ không thể vươn đến nơi mà bóng đã bị di chuyển từ đó, hoặc
Người chơi có thể vươn đến vị trí đó nhưng bóng không thể nằm yên ở đó và người chơi không thể vươn đến nơi mà bóng sẽ nằm yên theo Luật 14.2e (Bóng được đặt lại không nằm yên ở vị trí ban đầu).
Bóng của người chơi chưa được tìm thấy nhưng được tin là đang nằm trên một cái cây trong khu vực chung. Người chơi làm rõ là nếu tìm thấy bóng, họ sẽ thực hiện giải thoát bóng không đánh được theo Luật 19. Người chơi rung cây; bóng rơi xuống và được xác định là của người chơi trong vòng ba phút từ khi bắt đầu tìm. Lúc này người chơi có thể thực hiện giải thoát theo Luật 19 (Bóng không đánh được), cộng một gậy phạt theo luật này mà không bị phạt thêm do đã làm bóng di chuyển. Nếu không biết, người chơi phải ước lượng vị trí nơi bóng đã nằm trên cây khi áp dụng Luật 19.
Tuy nhiên, nếu người chơi di chuyển bóng khi họ không có ý định xác định nó hoặc không định thực hiện giải thoát theo luật, người chơi sẽ nhận phạt do vi phạm Luật 9.4. Ví dụ:
Bóng của người chơi ở trên một cái cây và họ định đánh nó. Khi chuẩn bị thực hiện cú đánh, người chơi vô tình làm bóng rơi khỏi cây. Người chơi nhận một gậy phạt theo Luật 9.4 do làm bóng di chuyển. Người chơi phải đặt lại bóng hoặc có thể thực hiện giải thoát trực tiếp theo một luật nào đó. Nếu người chơi thực hiện giải thoát theo Luật 19, họ sẽ nhận tổng cộng hai gậy phạt, một theo Luật 9.4 và một theo Luật 19.
9.4b/1
Người chơi bị phạt do cố tình chạm nhưng không làm bóng di chuyển
Khi bóng trong cuộc bị chạm một cách cố tình bởi người chơi, cho dù nó không di chuyển, người chơi sẽ nhận một gậy phạt theo Luật 9.4b.Ví dụ: người chơi nhận một gậy phạt nếu họ:
Không đánh dấu vị trí bóng, xoay bóng của họ trên khu vực gạt bóng để chỉnh hướng bóng về phía hố cờ, cho dù bóng vẫn nằm yên tại chỗ. Nếu người chơi đã đánh dấu vị trí bóng trước khi chạm hoặc xoay nó, họ đã không bị phạt.
Không đánh dấu vị trí bóng, xoay bóng ở bất kỳ đâu trên sân để xác định nó và đó là bóng của người chơi.
Cố tình chạm gậy vào bóng khi chuẩn bị thực hiện cú đánh.
Giữ chắc bóng bằng tay hoặc đặt một quả thông hoặc cành cây cạnh bóng để nó không di chuyển khi họ loại bỏ một vài vật thể tự nhiên rời hoặc lau bóng.
9.4b/2
Nghĩa của “Khi” ở Ngoại lệ 4, Luật 9.4b
Ngoại lệ 4 sử dụng từ “khi” để xác định khoảng thời gian khi ngoại lệ này được áp dụng đối với một người chơi đã di chuyển bóng trong cuộc của họ do các “hành động hợp lý”. Để biết nghĩa của “hành động hợp lý”, xem Giải thích luật 9.4b/3.Việc sử dụng từ “khi” thể hiện là tất cả các hành động hợp lý (khi đang áp dụng luật) có thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc, nếu chuyển động của bóng xảy ra trong lúc hành động đó đang được thực hiện, ngoại lệ này được áp dụng.Ví dụ của các tình huống của Ngoại lệ 4, theo đó không bị phạt do làm bóng di chuyển:
Người chơi tìm thấy một bóng mà họ tin là bóng trong cuộc của họ. Trong quá trình xác định nó, người chơi tiến đến bóng để đánh dấu và nhấc nó và vô tình bị trượt ngã và làm di chuyển bóng. Cho dù người chơi không đánh dấu hoặc nhấc bóng khi nó bị di chuyển, bóng vẫn bị di chuyển khi người chơi đang xác định nó.
Người chơi thả một bóng khi thực hiện giải thoát và cuối xuống để nhặt cái tee đang được sử dụng để đánh dấu khu vực giải thoát. Khi đứng lên, người chơi vô tình đánh rơi một cây gậy mà họ đang giữ, gậy đó chạm và làm di chuyển bóng trong cuộc đó. Cho dù người chơi đã hoàn thành việc thả bóng để thực hiện giải thoát, bóng bị di chuyển khi họ đang thực hiện giải thoát.
9.4b/3
Nghĩa của “Hành động hợp lý” ở Ngoại lệ 4, Luật 9.4b
Trong nhiều tình huống, luật yêu cầu người chơi có các hành động gần hoặc ngay cạnh bóng (như là nhấc, đánh dấu, đo đạc v.v.). Nếu bóng bị di chuyển một cách vô tình khi đang có các “hành động hợp lý” này, Ngoại lệ 4 của Luật 9.4b được áp dụng.Tuy nhiên, có một vài tình huống khác, khi mà người chơi có các hành động ở xa bóng hơn, và cho dù bóng có thể đã bị di chuyển bởi các hành động đó, Ngoại lệ 4 vẫn được áp dụng do các hành động đó là “hợp lý”.Bao gồm khi:
Người chơi tiến đến bóng của họ để thực hiện giải thoát và vô tình đá vào một viên sỏi hoặc vô tình làm rơi gậy của họ, chạm và làm di chuyển bóng đó.
Người chơi nhổ bỏ các cây cọc và dây thừng (vật cản di dời được) điều hướng giao thông ở cách xa bóng của họ và khi đang nhổ một cây cọc, họ làm cho các cây cọc khác ngã xuống đất, làm di chuyển bóng trong cuộc của họ.
Người chơi phục hồi hướng đánh của họ bằng cách sử dụng mũ phủi cát khỏi cổ khu vực gạt bóng theo Luật 8.1d (Phục hồi điều kiện bị làm xấu đi sau khi bóng đã nằm yên), làm cát bay đến bóng và làm nó di chuyển.
Ở các tình huống khác, Ngoại lệ 4 của Luật 9.4 không được áp dụng do hành động của người chơi là không “hợp lý”.Bao gồm khi:
Người chơi tiến đến bóng của họ để thực hiện giải thoát và đá vào một viên sỏi trong giận dữ, vô tình chạm và làm bóng di chuyển.
Khi chuẩn bị đo đạc, người chơi ném một cây gậy xuống đất bên trong khu vực giải thoát, gậy đó vô tình chạm và làm di chuyển bóng.
Người chơi nhấc một cái cào cát hoặc gậy của họ và ném nó ra khỏi bẫy cát. Cái cào hoặc gậy đó rơi vào lại bẫy cát đó và làm di chuyển bóng.
9.4b/4
Người chơi nhấc bóng theo Luật 16.1b (cho phép giải thoát không phạt) nhưng rồi quyết định không thực hiện giải thoát không phạt
Trong khu vực chung, nếu người chơi nhấc bóng của họ với ý định thực hiện giải thoát theo Luật 16.1b (Điều kiện sân bất thường), nhưng rồi quyết định không áp dụng luật đó mặc dù được phép giải thoát không phạt, quyền nhấc bóng của người chơi theo Luật 16.1b không còn có giá trị nữa.Sau khi nhấc bóng, nhưng trước khi làm gì khác, người chơi có các lựa chọn sau:
Đặt lại bóng ở vị trí ban đầu của nó với một gậy phạt (Luật 9.4b);
Đặt lại bóng ở vị trí ban đầu của nó với một gậy phạt (Luật 9.4b) rồi thực hiện giải thoát theo Luật 19.2 (Bóng không đánh được), nhận thêm một gậy phạt nữa, tổng cộng hai gậy phạt;
Thực hiện giải thoát theo Luật 19.2b hoặc c mà không phải đặt lại bóng, sử dụng vị trí bóng gốc để xác định điểm tham chiếu khi thực hiện giải thoát, nhận một gậy phạt theo Luật 19.2 và một gậy phạt nữa theo Luật 9.4b, tổng cộng hai gậy phạt;
Thả bóng theo Luật 16.1b rồi đánh bóng từ nơi nó nằm mà không bị phạt hoặc sử dụng vị trí mới của bóng (sau khi thả) để xác định điểm tham chiếu và thực hiện giải thoát theo Luật 19.2 với một gậy phạt; hoặc
Thực hiện giải thoát gậy-và-khoảng-cách mà không phải thả bóng theo Luật 16.1b, nhận một gậy phạt theo Luật 19.2a (không bị phạt theo Luật 9.4b), do người chơi không cần xác định điểm tham chiếu mới trước khi thực hiện giải thoát theo Luật 19.2a.
Bóng bị nhấc hoặc di chuyển bởi đối thủ trong đấu đối kháng
9.5b/1
Người chơi thông báo một bóng vừa được tìm thấy là bóng của họ, dẫn đến việc đối thủ nhấc một bóng khác mà sau đó được xác định là bóng của người chơi
Theo Luật 9.5b, đối thủ nhận một gậy phạt cho việc nhấc bóng của người chơi trừ khi một trong các ngoại lệ được áp dụng.Ví dụ: trong khi đang tìm bóng, người chơi A tìm thấy một bóng và tuyên bố đó là bóng của họ. Người chơi B (đối thủ) tìm thấy một bóng khác và nhấc nó. A sau đó phát hiện là bóng mà A vừa tìm thấy không phải là bóng của A, mà bóng được B nhấc lên mới là bóng của A.Do bóng chưa được tìm thấy khi B nhấc bóng của A, nó được xem như đã bị di chuyển một cách vô tình khi đang tìm và Ngoại lệ 3 của Luật 9.5b được áp dụng. Người chơi hoặc đối thủ phải đặt lại bóng mà không ai bị phạt.
9.6
Bóng bị nhấc hoặc di chuyển bởi tác động bên ngoài
9.6/1
Tác động bên ngoài bị gió thổi, làm bóng di chuyển
Bản thân gió không phải là một tác động bên ngoài, nhưng nếu gió làm một tác động bên ngoài di chuyển bóng của người chơi, Luật 9.6 sẽ được áp dụng.Ví dụ: nếu bóng của người chơi đến nằm yên trên một cái túi nhựa (vật cản di dời được) đang nằm trên mặt đất, và một cơn gió thổi cái túi đó và làm bóng di chuyển, cái túi (tác động bên ngoài) được xem như đã làm bóng di chuyển. Người chơi có thể:
Thực hiện giải thoát theo Luật 15.2a bằng cách ước lượng vị trí ở ngay bên dưới nơi bóng đã nằm yên trên cái túi nhựa trước khi bị di chuyển, hoặc
Đặt lại bóng theo Luật 9.6 (đặt lại cả bóng và cái túi) rồi quyết định đánh bóng từ nơi nó nằm hoặc thực hiện giải thoát theo Luật 15.2a (Giải thoát khỏi vật cản di dời được).
9.6/2
Đặt lại bóng ở đâu khi không biết nó bị di chuyển từ nơi nào
Nếu bóng đã bị di chuyển bởi một tác động bên ngoài nhưng không biết vị trí ban đầu của nó, người chơi phải sử dụng phán đoán hợp lý (Luật 1.3b(2)) để xác định nơi bóng đã nằm yên, trước khi bị di chuyển.Ví dụ: ở một hố, khi đánh bóng về cờ, người chơi không thể thấy một phần của khu vực gạt bóng và khu vực xung quanh nó. Có một bẫy cát và một khu vực phạt ở cạnh khu vực gạt bóng. Người chơi đánh bóng về phía khu vực gạt bóng nhưng không biết là bóng đã đến nằm yên ở đâu. Người chơi thấy một người (tác động bên ngoài) cầm một quả bóng. Người đó thả bóng đó rồi bỏ chạy. Người chơi xác định đó là bóng của họ. Người chơi không biết là bóng đã nằm yên ở đâu: trên khu vực gạt bóng, trong khu vực chung, trong bẫy cát, hoặc trong khu vực phạt.Do không thể biết là bóng nên được đặt lại ở đâu, người chơi phải sử dụng phán đoán hợp lý. Nếu xác suất bóng đã nằm yên trên khu vực gạt bóng, trong khu vực chung, trong bẫy cát hoặc trong khu vực phạt là như nhau, phán đoán hợp lý trong tình huống này là bóng đã nằm yên trong khu vực chung.
9.6/3
Sau khi thực hiện cú đánh, người chơi mới biết là bóng đã di chuyển
Nếu không biết hoặc gần như chắc chắn là bóng của người chơi đã bị di chuyển bởi một tác động bên ngoài, người chơi phải đánh bóng từ nơi nó nằm. Nếu thông tin về việc bóng đã bị di chuyển bởi một tác động bên ngoài chỉ được người chơi biết sau khi cú đánh đã được thực hiện, người chơi đã không đánh bóng sai vị trí do việc này không được biết đến khi người chơi đánh bóng.
9.6/4
Bóng nằm yên được đánh rồi được phát hiện là đã bị di chuyển bởi một tác động bên ngoài; Rồi bóng được xác định là bóng sai
Nếu sau khi đánh bóng, một người chơi phát hiện là bóng đó đã được di chuyển vào trong sân bởi một tác động bên ngoài sau khi nó đã nằm yên ở ngoài sân (OB), người chơi đã đánh bóng sai (xem định nghĩa). Do không biết hoặc gần như chắc chắn về việc này lúc đánh bóng, người chơi không bị phạt do đánh bóng sai theo Luật 6.3c(1) nhưng phải sửa lỗi bằng cách áp dụng Luật 18.2b (Làm gì khi bóng bị mất hoặc ra ngoài biên), tùy thuộc vào thời điểm phát hiện:
Trong đấu đối kháng, người chơi phải sửa lỗi nếu việc phát hiện (bóng đã bị di chuyển vào trong sân bởi một tác động bên ngoài) xảy ra trước khi đối thủ thực hiện cú đánh tiếp theo của họ hoặc có một hành động tương tự (như là thừa nhận hố). Nếu việc phát hiện xảy ra sau khi đối thủ đã thực hiện cú đánh tiếp theo của họ hoặc có một hành động tương tự, người chơi phải tiếp tục chơi hố đó với bóng sai.
Trong đấu gậy, người chơi phải sửa lỗi nếu việc phát hiện (bóng đã được di chuyển vào trong sân bởi một tác động bên ngoài) xảy ra trước khi thực hiện cú đánh để bắt đầu một hố khác, hoặc đối với hố cuối cùng của vòng đấu, trước khi nộp bảng điểm. Nếu việc phát hiện đó xảy ra sau khi người chơi đã thực hiện cú đánh ở hố tiếp theo, hoặc đối với hố cuối cùng của vòng đấu, sau khi nộp bảng điểm của họ, điểm số của người chơi với bóng sai sẽ được tính.